Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu tôm nước ấm từ các nước châu Á như Việt Nam, Ấn Độ vào Canada có xu hướng tăng. Canada được coi là thị trường tiềm năng của các nhà cung cấp tôm Việt Nam và Ấn Độ. Canada nhập khẩu trung bình trên 53.000 tấn tôm mỗi năm. Trong 10 năm (2008-2017), khối lượng nhập khẩu tôm vào Canada khá ổn định.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada, chiếm 29% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường trong 9 tháng đầu năm nay. Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 28%. Tiếp đó, Trung Quốc và Thái Lan lần lượt chiếm 16% và 13%.
9 tháng đầu năm nay, trong khi Canada giảm mạnh nhập khẩu tôm Thái Lan (giảm 33,5%), thị trường này lại tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam và Ấn Độ lần lượt là 5% và 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng giá trị tôm Việt Nam tăng từ 24% năm 2016 lên 30% năm 2018.
Mặt hàng tôm Việt Nam những năm qua được thị trường Canada quan tâm. |
Việt Nam và Ấn Độ đang là 2 là đối thủ cạnh tranh, bám đuổi sát sao trên thị trường này. Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Ấn Độ đều được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với tôm nguyên liệu đông lạnh HS 030617 vào Canada nên đây cũng là lợi thế cho 2 nhà cung cấp này trên thị trường Canada.
Trong nhiều năm qua, Canada luôn có tên trong số 10 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này mặc dù không tăng trưởng mạnh và liên tục, nhưng Canada được coi là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng tôm Việt Nam do vị trí nằm sát với nước Mỹ và người dân ở đây có mức sống cao.
Canada là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam và chiếm khoảng 4,3% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường trong 9 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada từ năm 2016 đến nay mặc dù không tăng mạnh nhưng luôn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng dương.
Để xuất khẩu tôm sang Canada, doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc hàng giá trị gia tăng. Đối với các sản phẩm tươi sống nhà xuất khẩu nên cung cấp cho khách hàng Canada thông tin về cách chuẩn bị hoặc cách chế biến sản phẩm đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã hàng hóa, phát triển mặt hàng mới, chú trọng chất lượng dịch vụ, bao gói, nhãn mác, giá cả phù hợp./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo VOV