Theo thống kê, hằng năm, ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP). Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu sang 164 thị trường trên thế giới, trong đó tôm là 1 trong 4 sản phẩm chủ lực, chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng - chế biến tôm xuất khẩu đạt 6,82%/năm...
Giảm giá thành nuôi tôm đang là vấn đề cấp bách |
Tại diễn đàn, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhận định ngành tôm Việt Nam đang có bước phát triển khá tốt, ngày càng có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Song hiện xuất khẩu tôm đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước bạn trong khu vực. Trong nước, ngành tôm phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, như quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, tình trạng nuôi tôm tự phát vẫn khó kiểm soát… "Khó khăn trên thị trường thế giới là giá thành nuôi tôm của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh cũng như sự phát triển bền vững của ngành tôm. Giảm giá thành nuôi tôm là vấn đề cấp bách hiện nay" - ông Trung phân tích.
Nhiều đại biểu cho rằng trang thiết bị sử dụng điện của người nuôi tôm chưa đồng bộ và tiêu tốn nhiều năng lượng, tính an toàn chưa cao, như sục khí theo cảm quan và tốc độ chạy máy không thay đổi dẫn đến tình trạng lãng phí điện khi nồng độ ôxy đã đạt mức yêu cầu. Vì vậy, cần tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn thực hiện tiết kiệm điện. Các địa phương nên quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung từng cụm để có thể xây dựng được cơ sở hạ tầng một cách hoàn thiện.
TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng trong giải pháp hạ giá thành, người nuôi không nên chỉ trông vào nhà nước. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải tiếp cận những cơ chế, chính sách đã có để giúp người nuôi tôm giảm giá thành. Trước mắt, giảm chi phí thức ăn là một vấn đề quan trọng. Chi phí thức ăn phải giảm xuống còn 30%-40% trong giá thành, con tôm Việt mới nâng được khả năng cạnh tranh.
Tác giả: Phúc Nguyên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động