Hàng Việt được quan tâm
Đến các vùng nông thôn TP Cần Thơ chúng ta dễ dàng nhận thấy sự đổi mới, “thay da đổi thịt”. Đường giao thông, chợ nông thôn được đầu tư phát triển. Hàng hóa bày bán tại các chợ vùng nông thôn rất dồi dào, đầy đủ chủng loại. Đặc biệt, các sản phẩm hàng Việt ngày càng chiếm số lượng áp đảo tại các chợ, kệ hàng và được nhiều người dân nông thôn tin dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng được ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt chất lượng do doanh nghiệp trực tiếp cung cấp. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực tham gia đưa hàng Việt về nông thôn như: Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, Công ty lương thực Sông Hậu, Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần May Tây Đô, Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, Trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ...
Mua bán hàng hóa tại chợ thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Ông Trần Thanh Hồng, ngụ ấp Đông Thới, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, cho biết: “Tất cả các đồ tiêu dùng thiết yếu hằng ngày như: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc… gia đình tôi đều ưu tiêng dùng hàng Việt vì giá cả phải chăng, chất lượng lại tốt và được các doanh nghiệp và người kinh doanh cam kết đảm bảo. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên phối hợp doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giúp người tiêu dùng biết được các sản phẩm hàng Việt đảm bảo chất lượng và có giá bán phù hợp túi tiền người dân nông thôn”. Ông Cao Văn Liền ngụ ấp Thới Trung, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cũng cho biết: “Gia đình tôi không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt trong tiêu dùng các loại hàng hóa thiết yếu hằng ngày mà còn ưu tiên mua các loại vật tư nông nghiệp do các doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất để phục vụ sản xuất. Cụ thể, trước đây xài Urê Trung Quốc thì nay chuyển hẳn sang xài Urê của Việt Nam như: Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau; mua đồ nhựa gia dụng thì tôi tin dùng sản phẩm của Duy Tân, may mặc thì chọn may Tây Đô, Việt Tiến...”. Theo bà Võ Thị Nhung, tiểu thương tại chợ thị trấn Cờ Đỏ, bà và nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ rất quan tâm ưu tiên bán các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và sản phẩm nông sản Việt. Chợ thị trấn Cờ Đỏ được đầu tư xây mới, bà con đến đây mua sắm hàng khá thuận lợi và chợ hoạt động suốt từ sáng đến chiều.
Theo Báo cáo điều tra dư luận xã hội về đánh giá thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP Cần Thơ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ngày 29-7-2018, việc người tiêu dùng lựa chọn, mua hàng hóa Việt Nam ở mức độ thường xuyên đạt tỷ lệ khá cao với 53,9%, trong đó đa số người tiêu dùng sống nơi nông thôn là lựa chọn nhiều nhất, với tỷ lệ 56,3%.
Tích cực vào cuộc
Ông Trần Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Huyện đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, phát triển các chợ trên địa bàn. Đồng thời, tích cực khuyến khích, vận động người dân kinh doanh, tiêu dùng các loại hàng Việt có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nhất là đối với các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và hàng hóa thiết yếu hằng ngày. Cờ Đỏ hiện có 9 chợ truyền thống phân bố tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, 3 chợ có quy mô buôn bán lớn và nhộn nhịp nhất là chợ thị trấn Cờ Đỏ, chợ Trung An và chợ Trung Hưng”. Theo ông Lương Phát Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cờ Đỏ, Mặt trận cũng đã và đang quan tâm phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, các xã, thị trấn và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền hàng Việt tại các chợ và các khu dân cư. Tổ chức các phiên chợ hàng Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm và người dân được tiếp cận hàng Việt có chất lượng với giá cả phù hợp, từ đó thu hút ngày càng nhiều người sử dụng hàng Việt.
Tại các huyện như: Phong Điền,Thới Lai và Vĩnh Thạnh cũng quan tâm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao ý thức người dân chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt ưu tiên mua bán hàng hóa sản xuất trong nước. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, tới đây phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các ban ngành, đoàn thể thành phố và địa phương để triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động, đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng Việt và tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại...
Ông Nguyễn Văn Phoal, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Phòng cũng đang tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ Việt Nam, từ đó sử dụng, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Phòng cũng đã tham mưu UBND huyện Vĩnh Thạnh ban hành Công văn số 642/UBND-KT ngày 7-6-2018 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để các ban ngành và địa phương trên địa bàn tập trung thực hiện hiệu quả”. Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp tổ chức được nhiều phiên chợ, hội chợ và đợt đưa hàng Việt về nông thôn, phục vụ người dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm có thế mạnh, các sản phẩm truyền thống tại địa phương như: chả lụa, bánh đa, rượu nếp, rượu đinh lăng, bánh lá gai và củ cải trắng thông qua các Lễ hội Bánh dân gian, Lễ hội Hoa đăng tại Ninh Kiều, Lễ hội Du lịch sinh thái tại Phong Điền, Lễ hội Ok-Om-Bok tại Ô Môn. Giới thiệu, kết nối nông dân với các doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu lúa gắn với việc nông dân được doanh nghiệp cấp các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Song song đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần tác động làm chuyển biến ý thức, nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng đến và đã ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cảnh giác trước những hàng rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng Việt cũng ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có giá cả phải chăng, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã phối hợp các sở ngành thành phố và địa phương tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền, Cờ Đỏ. Mỗi phiên chợ có sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp và thu hút hàng chục nghìn lượt người tham quan, mua sắm. Dự kiến tới đây, Trung tâm tiếp tục tổ chức thêm các phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Thới Lai và huyện Vĩnh Thạnh. Các phiên chợ này được lồng ghép với nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm tăng cường hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Qua đó, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đạt chất lượng do các doanh nghiệp tại Cần Thơ và các tỉnh, thành trong cả nước. Hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng của hàng hóa mình, kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và doanh nghiệp sản xuất để có hướng kinh doanh lâu dài. Hướng dẫn, nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân, giúp mọi người phân biệt hàng thật, hàng giả và biết cách sử dụng và bảo quản sản phẩm...
Tác giả: KHÁNH TRUNG
Nguồn tin: Báo Cần Thơ