Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, từng bước để Cần Thơ là điểm đến đáng tin cậy cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nâng cao chất lượng sống người dân.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã ban hành Chương trình số 08/Ctr-UBND ngày 31-5-2018 cụ thể hóa tổ chức triển khai thực hiện gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, phân công các sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND quận, huyện thực hiện 28 nhiệm vụ chủ yếu và 31 công việc cụ thể; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố được Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Trong ảnh: Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực hiện cải cách hành chính tại quận Bình Thủy. |
Công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố được triển khai quyết liệt và đạt được kết quả. Năm 2017, chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 9/63 tỉnh, thành thuộc nhóm đạt điểm cao nhất với 38,31 điểm. Chỉ số Cải cách hành chính của thành phố đạt 83,53%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2016.
Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, công tác hoàn thuế được thực hiện đúng quy định, thời gian giải quyết đối với hồ sơ hoàn thuế là 6 ngày làm việc, đối với kiểm tra trước khi hoàn thuế là 40 ngày làm việc; thời gian kiểm tra thuế thực hiện không quá 5 ngày, thời gian thanh tra thuế không quá 30 ngày; triển khai thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử. Trong lĩnh vực hải quan đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đồng bộ, thống nhất, ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai có hiệu quả thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS với 100% doanh nghiệp tham gia giúp rút ngắn thời gian thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu; triển khai 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến cấp độ 3, trong đó có 70% thủ tục cốt lõi của ngành đạt mức độ 4, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng được vận hành, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch. Theo đó, thủ tục gia nhập thị trường, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp rút ngắn từ 7 ngày làm việc trước đây còn 3 ngày làm việc, phấn đấu giảm còn 2 ngày làm việc trong năm 2018 và 100% hồ sơ đều được xử lý trước và trong hạn. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư và không thực hiện lấy ý kiến bộ, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong vòng 10 ngày làm việc, quy định là 15 ngày. Đối với các thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư thực hiện trong vòng 7 ngày làm việc, quy định là 10 ngày. Thành phố đăng ký áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 60 thủ tục hành chính, tập trung 5 nhóm thủ tục hành chính bắt buộc, gồm: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tặng cho, thừa kế, thế chấp, giao đất, cho thuê đất, cấp phép khoáng sản, khai thác tài nguyên nước…
Những kết quả trên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Lũy kế 8 tháng qua, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 955 doanh nghiệp các loại hình, đạt 56,2% kế hoạch, tăng 10,1% so cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 4.642 tỉ đồng, đạt 78,7% kế hoạch, tăng 31,6% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu hút 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 106,4 tỉ đồng; 5 dự án vốn trong nước, tổng vốn đầu tư 1.995 tỉ đồng. Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút được 9 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 151,6 tỉ đồng. Trong tháng 8, thành phố tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với 600 đại biểu doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế tham dự; ký kết hợp tác với 19 nhà đầu tư, doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 85.000 tỉ đồng…
Tiến đến đô thị thông minh
Trước những xu hướng xây dựng đô thị thông minh trên thế giới và cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh cải cách hành chính, TP Cần Thơ đang triển khai xây dựng đô thị thông minh. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh hơn không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của TP Cần Thơ và xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tháng 5-2018, UBND TP Cần Thơ đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc hỗ trợ triển khai các lĩnh vực đề án “Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành Đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025”. Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân; tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý đô thị; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
TP Cần Thơ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. (Trong ảnh: Hoạt động tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành). |
Trong quá trình hợp tác cùng thành phố, Tập đoàn VNPT nhận thấy những cơ hội để áp dụng các công nghệ tiên tiến, giải quyết những nhu cầu cấp thiết của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT, những ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh để có thể dự đoán tình hình dịch bệnh, dự báo mùa màng và thời tiết. Qua đó, giúp bà con nông dân chủ động hơn về sản xuất, thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản. Những ứng dụng Internet vạn vật trong các lĩnh vực giao thông thông minh, an ninh trật tự, môi trường sẽ mang đến cuộc sống chất lượng, an toàn hơn cho người dân đô thị. Đồng thời giúp chính quyền theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại địa bàn và có khả năng phản ứng nhanh trước các tình huống khẩn cấp, những tình huống biến đổi môi trường. Ứng dụng trên thiết bị di động trong chính quyền số giúp người dân và chính quyền có sự kết nối - tương tác chặt chẽ... Lợi ích trên các lĩnh vực đạt được, đó là người dân dễ dàng tương tác thông tin, tham gia giám sát quản lý đô thị, thụ hưởng dịch vụ công thuận lợi nhất. Doanh nghiệp thuận lợi khai thác thông tin từ chính quyền để phục vụ kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ mới cho đô thị. Và chính quyền ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thông qua các công cụ hỗ trợ ra quyết định, tăng cường trách nhiệm giải trình…
“VNPT sẵn sàng là cầu nối giữa Cần Thơ với các đối tác nước ngoài, các đơn vị tư vấn, để tham mưu, tư vấn, đề xuất cho thành phố các giải pháp tiên tiến trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh tại các nước phát triển. VNPT cam kết đồng hành cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ triển khai hiệu quả các lĩnh vực của Đề án” - ông Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh.
Tác giả: T. TRINH
Nguồn tin: Báo Cần Thơ