Tin địa phương

Tìm giải pháp quản lý tài nguyên nước

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được hình thành từ tài nguyên nước. Tuy nhiên những năm gần đây, việc sử dụng nguồn nước và các chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến lãng phí. Trong khi đó tình trạng ô nhiễm đang ngày một rõ rệt.

Đây là những vấn đề lo ngại được nêu ra tại Hội thảo Thúc đẩy sáng kiến nhằm quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL do Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân – Paccom tổ chức ngày 4/10 tại TP Cần Thơ.

Theo ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Khoáng sản, tài nguyên nước – Sở TN&MT thành phố Cần Thơ: Để quản lý, khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, thời gian qua, TP Cần Thơ đã xây dựng xong quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát lòng sông Hậu. Hiện TP Cần Thơ có khoảng 12 triệu m3 cát. Việc khai thác khoáng sản được quy định và kiểm tra chặt chẽ, phải đảm bảo cách xa bờ tối thiểu khoảng 200m tránh sạt lở. Hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có 01 mỏ cát đang hoạt động và đã được cấp phép.

Đối với việc quản lý tài nguyên nước, ông Lương Hồng Tân cho rằng, tài nguyên nước dưới đất, qua quan trắc hàng năm cho thấy mực nước vẫn nằm trong phạm vi cho phép…

Theo Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam, qua thực hiện kết quả nghiên cứu về vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức Chính trị - Xã hội và người dân trong giám sát phản biện xã hội về ô nhiễm nguồn nước ở ĐBSCL cho thấy. Đối với nguồn nước sinh hoạt, cụ thể là nguồn nước mưa hiện tượng ô nhiễm đã trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt gần khu vực các khu công nghiệp, nhà máy. Xuất hiện nhiều cặn đen khi lắng lọc so với 5 năm về trước. Các nguồn nước như nước giếng khoan, đào cũng ô nhiễm chuyển màu vàng, ố. Nguồn nước kênh rạch, nước sông bị ô nhiễm khá rõ, nhất là gần các khu công nghiệp, đông dân cư. Mặc dù đến nay chưa thấy sự ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước tới sức khoẻ người dân, nhưng đã có hiện tượng cây trồng chết do sử dụng nguồn nước ô nhiễm; lượng cá tôm ở các con kênh, rạch giảm rất nhiều…

Ông Lương Hồng Tân cho biết: Hiện, TP Cần Thơ đã cấp phép cho khoảng 450 giấy phép (trong đó các giấy phép phục vụ cho việc cấp nước và các hoạt động dịch vụ). Theo tôi, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước của vùng ĐBSCL cần phải có 1 tổ chức nào đó đứng ra quản lý. Có thể thành lập Chi cục quản lý tài nguyên nước riêng của ĐBSCL để điều phối, chi phối nguồn nước của cả vùng một cách hiệu quả. Nguồn nước đến từ nước ngoài, nếu không có tổ chức điều phối, quy hoạch dễ lộn xộn, ai muốn xài muốn lấy sao thì lấy…

Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu - Sở TN&MT tỉnh An Giang cũng đề xuất một số giải pháp để quản lý nguồn nước như: Tăng cường nhận thức cho người dân thông qua việc, đẩy mạnh công tác tuyền truyền về Luật Tài nguyên nước, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là trong việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước; Phối hợp thành lập và thúc đẩy hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Tiếp tục rà soát hợp tác ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu qủa, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Tác giả: Quốc Trung

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP