Thực hiện tiết học ngoài nhà trường là nhiệm vụ, yêu cầu trong dạy học. Tuy nhiên, đã có sự tranh cãi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động trải nghiệm do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức chiều 11-10.
Nhầm lẫn với dã ngoại, vui chơi
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết việc triển khai tiết học ngoài nhà trường chính là triển khai cụ thể một trong những nội dung của Bộ GD-ĐT, trong đó định hướng giáo dục học sinh (HS) theo hướng phát triển năng lực, chuẩn bị tốt cho chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. Thực hiện tiết học ngoài nhà trường là nhiệm vụ dạy học nên các trường phải chú ý trong việc tuyên truyền, giải thích và có những thỏa thuận với cha mẹ HS trong việc tổ chức tốt các tiết học này.
Một tiết học ngoài nhà trường của học sinh Trường THPT Đào Duy Anh (quận 6, TP HCM) |
Để tránh tình trạng dư luận xã hội, cha mẹ HS cho rằng dùng phương pháp kiểm tra, đánh giá ép HS trải nghiệm. Đồng thời, phải giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, chẳng hạn như một số HS không tham gia tiết học thì phải thiết kế thêm chương trình thứ 2 để bảo đảm tất cả HS được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng bảo đảm công bằng trong hoạt động giáo dục.
Nhiều ý kiến tại hội nghị thẳng thắn bày tỏ quan điểm hiện rất khó để phân biệt 2 hoạt động cùng mang tiếng trải nghiệm là ngoại khóa, tham quan mà lâu nay các trường vẫn tổ chức với tiết học ngoài nhà trường.
Tại sao chỉ tổ chức ở 3 đơn vị?
Từ thực tế thực hiện tiết học ngoài nhà trường, ý kiến từ nhiều cơ sở giáo dục cho hay việc giao các khâu từ thiết kế giáo án, tổ chức đưa đón, kiểm tra, đánh giá phụ thuộc vào công ty du lịch là không ổn. Bởi chỉ có chính giáo viên chuyên môn mới biết cần xây dựng chương trình thế nào để HS được bổ sung kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện nhất.
Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, cho rằng không phải bất cứ nội dung kiến thức nào trong sách giáo khoa đưa ra tiết học ngoài nhà trường cũng đều hiệu quả mà phải có sự lựa chọn phần kiến thức phù hợp. Kinh nghiệm từ trường là tổ bộ môn, ban giám hiệu phải khảo sát thật kỹ, tham quan trước địa điểm HS sẽ đi học trải nghiệm. Mỗi tiết học trải nghiệm đều có đánh giá kiểm tra, công bố điểm cho HS, sản phẩm cá nhân, sản phẩm nhóm có điểm như thế nào. Sau mỗi lần đi trải nghiệm, nhà trường đều lấy ý kiến phản hồi của HS. "Để cho việc học tập trải nghiệm có kết quả thì phải có thang điểm đàng hoàng, công bố cho HS. Cuối cùng, HS là người thụ hưởng. Vì thế, trường luôn có phản hồi từ HS" - bà Trang nói.
Trong khi đó, ý kiến từ đại diện Trường THPT Nguyễn Văn Linh cho rằng hiện nay, Sở GD-ĐT TP HCM chỉ giới thiệu 3 đơn vị tổ chức hoạt động trải nghiệm (Thảo Cầm Viên, Khu Sinh thái giáo dục Về Quê (huyện Củ Chi) và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (huyện Củ Chi). Các trường mong muốn sở giới thiệu thêm nhiều địa điểm khác và hỗ trợ nhiều hơn. "Năm học trước, có thực tế là việc tổ chức tiết học giao cho công ty chưa hấp dẫn HS, quản lý cũng chưa tốt lắm khiến vẫn còn thành viên sao nhãng học tập. Sở cũng nên thẩm định lại các địa điểm, quy định luôn người hướng dẫn HS học tập" - vị này nói.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM tiếp tục khẳng định sở không độc quyền trong việc tổ chức tiết học ngoài nhà trường. Lý giải chỉ chọn 3 đơn vị và việc phải báo cáo trước 30 ngày về sở nếu muốn thực hiện riêng, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết nhà trường phải có kế hoạch học tập từ đầu năm. Với các trường đã quen, Sở GD-ĐT sẽ không can thiệp nhiều nhưng với những trường tham gia lần đầu, kế hoạch thực hiện này phải được Sở GD-ĐT thẩm định. Do vậy, mục đích của quy định các đơn vị phải đăng ký trước 30 ngày là chuẩn bị chu đáo. "Về việc giới thiệu 3 đơn vị, đây là những nơi đã sẵn sàng gắn với sở trong việc tổ chức tiết học ngoài nhà trường. Mặt khác, ở các điểm này có báo cáo viên về nội dung chuyên sâu thực hiện tiết học ngoài nhà trường mà giáo viên chưa thể đảm nhận. Các trường có thể xây dựng tiết học ngoài nhà trường ở bất kỳ chỗ nào gắn với chương trình học của Bộ GD-ĐT" - ông Hiếu thông tin.
Cần phân định rõ ràng Ông Lê Duy Tân cho rằng cần có sự phân định rõ ràng giữa các hoạt động. Tiết học ngoài nhà trường cần có lượng kiến thức, kỹ năng được xây dựng ngoài không gian. Do đó, có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm trong sân trường cùng với các phương tiện bổ trợ. Mặc dù có điểm chung với hoạt động tham quan ngoại khóa là tổ chức ngoài nhà trường nhưng dạy học trải nghiệm là hình thức tổ chức thành tiết học ngoài nhà trường phải tuân thủ theo trình tự cụ thể, có kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Trong khi đó, hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề giáo dục chỉ nhằm đạt một số mục tiêu giáo dục mà nhà trường muốn trang bị cho học sinh, không kiểm tra đánh giá. |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động