Từ bao đời nay, trong dân gian người miền Tây luôn tự hào về sự phong phú của những đặc sản Nam bộ có mặt trong câu ca dao “Thầy dừa thì nhớ Bến Tre/ Thầy sen thì nhớ đồng quê Tháp Mười”.
Theo tập quán cư trú, trước cửa nhà là khoảng sân rộng rồi mới là dòng sông chảy ngang. Và trên mé sông ấy, người dân thường hay trồng những cây dừa để lấy bóng mát. Phía sau vườn cũng có không ít chục cây dừa nữa vừa tạo bóng mát, vừa có trái uống nước, khi dừa khô thì dùng làm bánh, nấu chè, …
Mỗi khi bị đuông phá cắn gãy đọt hoặc những cây èo uột khó sống, người ta sẽ xây lấy cổ hũ dừa, tức là dùng dao bén chặt, cắt lấy phần non từ sát phần thân đến đọt.
Món củ hủ dừa xào cùng tim gan heo.
Cổ hũ cắt xuống, lột sạch phần lớp áo già bên ngoài, con nít dùng tay bẻ thành những miếng ăn sống. Những đám nhậu năm ba người xúm lại uống rượu đế với vài ba trái me, trái cóc, có được miếng cổ hũ thì không gì bằng. Ngoài ra, ở đồng đất miền Tây, dân gian còn dùng cổ hũ dừa xắt nhuyễn để làm nhưn bánh xèo. Và thứ bánh này đã trở thành món đặc sản Nam bộ, ai đã thưởng thức dù chỉ một lần cũng khó quên.
Thường bữa hơn, người ta dùng cổ hũ dừa xào để … ăn cơm. Phải nói ngay rằng loại này xào với thực phẩm nào ăn cũng … ngon khỏi chê! Túng ngặt thì xào cổ hũ với mỡ heo thắng, nêm chút nước mắm ngon, bột ngọt, … Sang hơn, thì xào với tép bạc, lòng gà, vịt hoặc lòng heo, … Bắc chảo lên bếp chờ nóng, phi mỡ tỏi cho thơm rồi trút tép, hoặc các loại thực phẩm đã chuẩn bị vào xào cho thơm. Nêm nếm vừa ăn thì cho cổ hũ vô chảo xào nhanh tay. Nhắc chảo xuống rắc thêm ít rau thơm, ớt xắt nhuyễn. Món xào này chấm nước mắm pha nước cốt chanh, hoặc nước tương, ớt, …
Cổ hũ dừa ăn với cơm nóng thì cơm hết nồi cũng chưa muốn thôi. Món ăn tuy dân dã nhưng là đặc sản Nam bộ ẩn chứa nhiều thú vị!
Tác giả bài viết: Hồng Khuyên