Kinh tế

Thủ tướng yêu cầu ngân hàng cung ứng đủ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu vốn

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng đáp ứng nhu cầu về giao dịch, thanh toán và chi trả hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong những ngày cuối năm 2023 và dịp nghỉ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2024

Đó là nội dung Công điện số 1436 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ngày 29-12 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về bảo đảm hoạt động thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ thanh toán của Hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia.

Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Ngân hàng cung ứng đủ tiền mặt dịp Tết

Tăng cường giám sát an ninh mạng và triển khai các biện pháp kỹ thuật, bố trí nhân sự cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của các hệ thống thanh toán và các hệ thống liên quan.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có biện pháp bảo đảm thanh khoản, bố trí nhân sự làm việc để cung ứng các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn, thông suốt trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.

Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm và đầu năm; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, nhất là các động lực tăng trưởng và kiên quyết chống việc tiêu cực trong cung ứng tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, lợi ích nhóm, việc sở hữu chéo…

Tác giả: Dương Ngọc

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP