Sáng 9/11, tại Hà Nội diễn ra phiên họp đầu tiên của Tiểu Ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì.
Phiên họp nhằm thống nhất kế hoạch công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội từ nay đến Đại hội, trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến phương thức, cách làm để có các văn kiện có chất lượng, vừa tổng kết, vừa đưa ra các giải pháp đột phá phát triển kinh tế- xã hội 10 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. |
Cùng dự có các đồng chí trong Tiểu ban: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan.
Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII gồm Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội là xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng nêu rõ, những giải pháp, chiến lược mang tính đột phá để đưa đất nước tiến lên là những nội dung mà các đảng bộ, nhân dân rất quan tâm.
Trong thảo luận xây dựng các văn kiện, Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban thẳng thắn nêu lên những bất cập, tồn tại của đất nước, từ đó đưa ra các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc phân tích kỹ lưỡng tình hình thế giới và trong nước và đưa ra các định hướng chiến lược là rất rất quan trọng. Việc xây dựng các giải pháp, chiến lược cũng phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số. Để không tụt hậu thì cần có giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội, vượt lên khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Phải đổi mới phương pháp nghiên cứu, làm văn kiện là rất quan trọng, cần thiết để có tài liệu tốt nhất. Ý muốn nói là mình hội nhập tốt, thấy được thách thức khó khăn nhưng thấy được cơ hội phát triển, nắm bắt để biến khó khăn thành cơ hội của đất nước. Nêu điều này, tôi mong từng đồng chí suy nghĩ thực sự sâu sắc, trăn trở trước nhiệm vụ phát triển của ngành, lĩnh vực và đất nước ta giai đoạn tới. Làm sao tư tưởng kinh tế - xã hội thấm sâu vào từng ngành, địa phương để vận dụng các ý tưởng, định hướng vào thực tiễn, chứ không phải đây là văn kiện có tính chất lưu trữ mà là hành động để triển khai”.
|
Trong quá trình xây dựng văn kiện, Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi của các ban, ngành, chức năng và toàn xã hội. Cách đi nào, những giải pháp chiến lược thực sự đổi mới nào là quyết liệt, đột phá thì phải đào sâu suy nghĩ để đề ra nhiệm vụ phát triển trong bối cảnh thực trạng của đất nước. Huy động các nhà khoa học, các hội thảo quan trọng để lắng nghe ý kiến, thậm chí cả nghiên cứu kinh nghiệm các nước...từ đó có văn kiện chất lượng tốt, khoa học và thiết thực.
Phải huy động các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các cán bộ khoa học trong nước, quốc tế tham gia cùng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội để có văn kiện sát thực, xúc tích, để khi cầm bản đó hình dung được công việc của đất nước, những định hướng lớn cho ngành và địa phương trong phát triển.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Dự kiến kế hoạch công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với 11 nhiệm vụ và thời gian thực hiện, dự kiến Cơ quan thường trực và Tổ biên tập của Tiểu ban. Cơ cấu Tổ biên tập, dự kiến gồm 6 nhóm: Tổng hợp; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; Tài nguyên, Môi trường, Biến đổi khí hậu; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, pháp luật, thanh tra; Quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tại cuộc họp, các Thành viên Tiểu ban cũng đã cho ý kiến về kế hoạch, lộ trình thực hiện nhiệm vụ, quy chế làm việc, phân công chức năng của các đơn trị trong Tiểu ban...
Về nhiệm vụ Tổ biên tập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây phải là nơi “tinh luyện” các ý kiến rộng rãi để đưa vào dự thảo những ý tưởng, đề xuất, nội dung chất lượng tốt nhất. Cùng với đó là có sự phân công nhiệm vụ triển khai soạn thảo, biên tập từng nội dung, tổng hợp biên tập, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền./.
Tác giả: Vũ Dũng
Nguồn tin: Báo VOV