Trong nước

Thu phí không dừng ì ạch do chủ đầu tư

Do nhiều bất cập nên sau 3 năm triển khai, doanh thu phí điện tử tự động không dừng chỉ chiếm hơn 10%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chủ tịch UBND các tỉnh - thành chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC). Các đơn vị được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Triển khai 3 năm vẫn chưa xong

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết ngày 27-3-2017, Thủ tướng Chính phủ ra văn bản giao thực hiện ETC tại các trạm BOT trên toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, hoàn thành trong năm 2018. Các trạm thu phí BOT khác phải hoàn thành trong năm 2019. Tuy vậy, đến nay tiến độ thực hiện lại quá chậm so với kế hoạch Thủ tướng giao.

Hầu hết chủ đầu tư dự án BOT giao thông không muốn chuyển đổi sang thu phí không dừng Ảnh: KỲ NAM

Cụ thể, hiện mới lắp đặt thiết bị được 29/44 trạm với tổng số 109 làn thu phí; số còn lại phải lắp đặt là gần 500 làn. Bên cạnh đó, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 gồm 23 trạm nhưng khâu đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp đang bị chậm do vướng thủ tục.

Ông Huyện cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến sau 3 năm, việc triển khai thu phí không dừng bị tắc là do phương án tài chính và năng lực của nhà cung cấp dịch vụ không bảo đảm. Nguồn thu hằng tháng từ dự án của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ) đang phải bù lỗ 8-9 tỉ đồng/tháng. Đến nay, VETC đã phải bù lỗ 160 tỉ đồng.

"Vì lý do này, đến giữa năm 2018, phía ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án đã ngừng cung cấp tín dụng nên VETC không có tiền nhập vật tư, lắp đặt thiết bị theo tiến độ. Nhất là khi bổ sung 18 trạm vào dự án nâng tổng số trạm từ 26 trạm lên 44 trạm với trên 600 làn càng khiến VETC thêm khó khăn" - ông Huyện phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, nguyên nhân khác là do dự án có nhiều bên tham gia, ràng buộc bằng nhiều hình thức hợp đồng. Trong lúc hành lang pháp lý chưa đầy đủ, việc làm này dẫn đến khó khăn trong chế tài xử lý trách nhiệm các bên.

Ngoài ra, nhà đầu tư BOT lấy lý do năng lực của nhà cung cấp thiết bị E-tag (liên danh Tasco - VETC) không bảo đảm để từ chối không cho lắp thiết bị và đề nghị tổng cục đưa nhà cung cấp dịch vụ khác vào. "Bằng cách này cách khác, nhà đầu tư BOT gây khó khăn cho nhà cung cấp dịch vụ" - ông Huyện nói.

Vì những bất cập trên, theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện mới chỉ có khoảng 700.000 trong tổng số trên 3 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ E-tag, doanh thu phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, mới đạt trên 10%.

Ngại minh bạch

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, thẳng thắn cho rằng vấn đề bất cập, hạn chế của BOT giao thông đã nói quá nhiều. Do đó, phải làm sao để các dự án BOT thật sự minh bạch để người dân không còn phải hoài nghi, từ đó mới tạo ra được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Về báo cáo doanh thu của các dự án BOT, ông Bùi Danh Liên phân tích: Nếu áp dụng thu phí không dừng sẽ bảo đảm minh bạch, bởi bất cứ phương tiện nào đi qua tuyến đường BOT sẽ bị trừ tiền trong thẻ, giao dịch đó sẽ tự động thông báo đến ngân hàng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đều biết. "Người ta ngại minh bạch nên cứ cố tình chậm trễ" - ông Liên đúc kết.

Ngược lại, ở góc độ là doanh nghiệp dự án BOT, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI; nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), bày tỏ nhiều "tâm tư" khi thực hiện ETC. Theo ông Tú, trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 64 làn, đến nay VIDIFI đã phối hợp với VETC triển khai thu phí tự động tại 32 làn. Đối với 32 làn còn lại, VIDIFI đã báo cáo với Bộ GTVT là không có chủ trương đầu tư, chuyển đổi công nghệ vì làm sẽ rất lãng phí. Ông lý giải: "Nếu 100% xe qua trạm thì 32 làn thu phí không dừng đã đầu tư cũng đáp ứng đủ, khi đó VIDIFI sẽ đóng các làn thu phí dừng lại. Tuy nhiên, lượng xe sử dụng làn thu phí ETC hiện rất thấp.

"Ngoài ra, nếu triển khai ETC thì nhà đầu tư BOT sẽ giao toàn bộ quyền thu phí cho VETC. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư bỏ hàng ngàn tỉ đồng ra làm dự án, xong lại giao cho một công ty khác quản lý, thu phí nên nhiều nhà đầu tư BOT không yên tâm" - ông Trần Anh Tú bày tỏ.

Xử lý nghiêm chủ đầu tư chây ì

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, để hoàn thành đúng tiến độ, lộ trình chuyển đổi hình thức thu phí điện tử tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc xem xét, cho phép có thêm nhà cung cấp dịch vụ để chủ đầu tư thuận tiện lựa chọn. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, có chế tài xử lý trách nhiệm các bên vi phạm tiến độ.

"Riêng nhà đầu tư BOT nào cố tình không thực hiện Thông tư 49/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, tổng cục sẽ kiên quyết xử lý" - ông Huyện nói.

Tác giả: VĂN DUẨN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP