Kinh tế

Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân

Không chỉ giúp diệt muỗi, mô hình dựng chòi thu hút dơi về làm tổ ở Đồng Nai còn cho lợi nhuận cao từ thu gom phân dơi.

Xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là xã nghèo miền núi nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Lâu nay việc muỗi hoành hành cùng hàng loạt căn bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét... là nỗi ám ảnh của người dân trong vùng.

Chòi nuôi dơi của bác sĩ Hoài và ông Sáu phối hợp làm. Ảnh: Phước Tuấn


Trong khi đó, 10 năm trước, nghe nhiều người mách dân miền Tây có loại phân dơi rất tốt nên ông Phan Văn Minh (ấp 4) mua về bón thử cho vườn dưa hấu của mình và rất bất ngờ với thành quả thu được. Những năm sau này, khi ông chuyển dần qua trồng cam, bưởi, quýt… với quy mô lớn nên không có đủ phân dơi để bón do giá cao, trung bình 80.000 đồng một kg. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng nuôi dơi để tự cung cấp nguồn phân cho khu vườn rộng chừng 6ha của mình.

Chia sẻ ý tưởng với ông Nguyễn Văn Sáu (ấp 1) và bác sĩ Hồ Văn Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, người gắn bó với công tác chống dịch nhiều năm, luôn đau đáu tìm ra mô hình diệt muỗi hay, hiệu quả mà không cần đến phun thuốc hóa chất độc hại cho người dân, ông Minh được 2 người bạn rất ủng hộ.

"Từ mục đích ban đầu nuôi dơi lấy phân của những người bạn làm nông, thấy mô hình kinh tế có thể phục vụ vào y tế nên tôi xin cùng hợp tác để diệt muỗi chống dịch bệnh ở địa phương", bác sĩ Hoài nói.

Lá thốt nốt treo trên chòi để dơi về làm tổ. Ảnh: Phước Tuấn


Sau chòi dơi đầu tiên thử nghiệm thành công ở vườn cam ông Minh với chi phí ngót 100 triệu đồng, ông Sáu phối hợp cùng bác sĩ Hoài góp vốn xây thêm 2 chòi dơi tại vườn quýt nhà mình. "Các chòi dơi này phải cao, xây dựng cách ly ở chỗ không người, rồi treo hàng nghìn tấm lá thốt nốt lên cho loại động vật hoang dã này tự bay về làm tổ chứ không cần cho ăn, chăm sóc gì", ông Minh tiết lộ.

Với tập tính sau khi đi kiếm mồi, dơi lại bay về tổ và bắt đầu nhả phân khiến mảnh lưới bên dưới chòi luôn cung cấp một lượng phân lớn mỗi buổi sáng. Trong khi 2 người nông dân hồ hởi với việc thu nhập chừng 200 triệu một năm từ tiền bán phân thì người bạn thầy thuốc lại thích thú với việc nghiên cứu mô hình "dơi bắt muỗi" của mình.

"Mỗi ngày một con dơi có thể ăn được 5.000 con muỗi cũng như các loại côn trùng trung gian truyền bệnh nên nó sẽ giúp chúng tôi không phải tốn chi phí, công sức, ảnh hưởng khi tiếp xúc với hóa chất độc hại mà lại rất thân thiện với môi trường", bác sĩ Hoài cho biết.

Ngoài các chòi dơi đã có sẵn, 3 người bạn còn vận động, hướng dẫn láng giềng, người thân dựng chòi dơi để tăng thu nhập kinh tế, đồng thời giúp khu vực hạn chế muỗi phát triển. Theo UBND xã Phú Lý thì hiện nay toàn xã có 8 chòi nuôi dơi, chủ yếu nằm ở các khu vườn rẫy xa khu dân cư nên cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Phân dơi cho giá trị kinh tế rất cao với người nông dân. Ảnh: Phước Tuấn


Từ khi có chòi nuôi dơi, vườn cây xung quanh của những người nông dân cũng ít bị sâu bệnh, mật độ côn trùng như: bọ trĩ, sâu, ruồi vàng... đều giảm. "Trước khi chưa có dơi về ở thì vườn cây mỗi tháng phải xịt thuốc trừ sâu, rầy ít nhất là 4 lần, ban đêm phải mắc mùng mới ngủ yên. Tuy nhiên giờ thì hơn cả tháng vườn cây không xịt thuốc cũng không có sâu rầy. Ban đêm không cần ngủ mùng vì muỗi hầu như không còn", ông Minh cho biết.

Theo bác sĩ Hoài, dơi hoang dã đang được nuôi tại Phú Lý là động vật có vú, thường gọi là dơi chuột có tên khoa học Vespertilio, chúng thường sống theo đàn với số lượng lớn và chỉ ăn muỗi, bướm, rầy, thiêu thân... "Việc nuôi dơi diệt trừ muỗi là biện pháp sinh học, không dùng hoá chất, tốn công và chi phí phun tẩm thuốc 'bao vây khoanh vùng' dập dịch. Hiện chúng tôi đang tiếp tục thu thập, giám sát, theo dõi các chỉ số bọ gậy, muỗi và tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm tại địa phương để có kết luận khoa học cuối cùng về sáng kiến mô hình này", bác sĩ Hoài nói.

Tác giả bài viết: Phước Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP