Trong nước

Thư gửi "Thằng đánh máy" vừa từ chức

Nghe tin anh viết đơn xin từ chức vì những lý do lãng xẹt, nếu có gì sai liền đổ lỗi cho anh, người viết bài này không thể im lặng. Bởi anh thôi việc, còn ai để người ta đổ lỗi.

Tôi nhớ có một lần trong đời suýt mất việc vì định đổ lỗi cho người khác.

Số là tôi phụ trách hệ thống IT cho một tổ chức quốc tế rất lớn ở Hà Nội. Trung tâm IT có cái nạp điện gọi là UPS dùng ắc qui. Mà ắc qui phải bảo trì thường xuyên nên đã thuê hẳn một công ty kiểm tra định kỳ. Việc của tôi là "chỉ đạo" công ty này.

Một buổi sáng tới văn phòng bỗng khói nghi ngút phát ra từ phòng UPS, mùi khét lẹt. Mở cửa thì khói đặc quánh, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra. Một ắc qui bị sự cố và làm cho những ắc qui còn lại bị liên lụy "nở ra" và axit xì ra.

Văn phòng gần như hoảng loạn, nhưng tôi kịp tắt hệ thống trung tâm, ngắt cầu dao điện và sự cố được giải quyết sau 30 phút.

Sếp gọi lên và bắt viết tường trình nói rõ chuyện gì đã xảy ra. Với tâm lý "lỗi không phải của mình" tôi nháp bản đầu tiên, đổ hết tội cho phía công ty được thuê, nhưng lại quên rằng, tôi phụ trách họ.

Sự cố xảy ra trong khi mình có một phần trách nhiệm lại tìm cách đổ lỗi cho người khác là do sợ hãi. Sợ kỷ luật, sợ bị cắt lương, sợ mất việc, sợ bị dưới quyền coi làm lãnh đạo mà ngu… Nỗi sợ ấy làm người ta tìm kẻ thay thế để "nuốt trôi" lỗi lầm, nhất định không phải bản thân.

Nghĩ đi nghĩ lại nhất là hậu quả của việc dối trá, tôi viết một cách thành thật những gì đã xảy ra. Ắc qui tới thời hạn phải thay thế nhưng tôi không đọc kỹ hướng dẫn, và không tư vấn bên công ty bảo trì, không thấy mình hỏi, họ cũng mặc kệ.

Là người chịu trách nhiệm chính mà có sự cố thì chắc chắn tôi phải gánh hậu quả. Rất may hồi đó tôi chưa có "Người đánh máy" như bây giờ. Nếu có thì chắc chắn tôi mất việc và không có dịp viết thư này cho anh.

Bởi sếp xem xong báo cáo đã nói, sự cố khá nguy hiểm, nhưng anh biết lỗi lầm từ đâu, rồi giải quyết và đưa ra giải pháp. Quan trọng anh không dùng Blame game – trò chơi đổ lỗi. Nếu không, anh về đuổi gà cho vợ.

Mấy năm sau tôi sang Washington DC làm việc cũng trong lĩnh vực IT. Sếp của tôi thuộc hàng cao cấp tới phó chủ tịch của tổ chức này, ngang hàng tướng trong quân đội.

Một lần hệ thống IT bị hacker tấn công, lấy cắp mật khẩu của một người trong đội admin (quản trị mạng) và từ đó truy nhập vào nhiều máy chủ khác nhau. Sự cố vô cùng nghiêm trọng bởi thông tin nhạy cảm về tài chính, dự án, thậm chí có các báo cáo bí mật kinh tế về các quốc gia.

Ông ấy đang kỳ nghỉ hè đã không về văn phòng ngay. Người thay thế tạm thời không giải quyết thấu đáo. Ông ta về và họp toàn bộ nhân viên với cả ngàn người, giọng giận giữ, lên án đồng nghiệp không làm đúng hướng dẫn và đuổi hai người.

Tuy nhiên sếp trên của ông ta lại không nhìn ra lỗi của mấy cậu admin mải chơi mà do thấy ông ta chơi trò Blame game. Lỗi của ai nhưng nhất định không phải của mình. Khỏi cần nói, lần này sếp IT của tôi về đuổi gà ở xứ Kentucky.

Mỗi khi có sự cố hay chuyện chẳng lành xảy ra tại cơ quan, mọi người phải vượt qua nỗi sợ hãi và nên theo một kiểu văn hóa chịu trách nhiệm bắt đầu từ người lãnh đạo. Nếu lãnh đạo mà sợ và tìm cách đổ lỗi thì mong gì nhân viên dưới quyền không tìm cách đổ cho ông ta.

Tôi viết thư này mong "Người đánh máy" đừng từ nhiệm. Vì văn hóa đổ lỗi vẫn lan tràn nên cần một người như anh nhằm bạch hóa nhiều vấn đề. Kẻ xấu tiếp tục hoành hành bởi người tốt im lặng.

Xin anh hãy ở lại và phải lên tiếng để mang lại công bằng cho chính anh và xa hơn là xã hội. Là người chứng kiến sếp duyệt lần cuối và ký vào văn bản thì anh cần cho công chúng biết là ông ta có đọc không hay ông ta ít học tới mức không đọc nổi văn bản in bằng máy laser rõ tới từng dấu phẩy.

Nếu không biết đọc thì ai đã đặt ông ta vào ghế này. Con ông cháu cha, hậu duệ hơn trí tuệ hay do cơn bão tiền tệ đưa tới. Dù bất kỳ lý do gì thì người không đọc kỹ văn bản mình ký không thể ngồi ghế lãnh đạo.

Người đóng thuế phải biết vì họ góp tiền cho cái ghế của ông ta. Không thể chấp nhận một đầy tớ nhân dân ở cửa quan mà không làm được một việc đơn giản là đọc và hiểu các tài liệu, một tố chất mà bất cứ đứa trẻ nào học xong cấp 3 đều có thể làm được.

Xin "Người đánh máy" hãy nói với các vị lãnh đạo rằng, để một tổ chức, một bộ, một ngành hay một địa phương phát triển thay vì tụt hậu, họ không thể dùng trò Blame game cổ xưa.

Lỗi lầm xảy ra thì nên giải quyết theo cách tích cực với những bài học, giải pháp và quan trọng hơn là cách tránh trong tương lai.

Tìm cách lẩn tránh trách nhiệm sẽ không đưa tới những điều tốt đẹp. Hãy nhìn vào gương và tự vấn mình, lỗi của bản thân hay của ai trước khi đuổi việc "Người đánh máy".

Tác giả bài viết: Hiệu Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP