Tin địa phương

Vụ sạt lở ở Cần Thơ: Tuyến đường bị sạt vừa được nâng cấp hơn 10 tỷ đồng

Ngày 14/5, ông Huỳnh Thanh Việt, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, Ban đang phối hợp với quận Ô Môn tiếp tục theo dõi diễn biến vụ sạt lở bờ sông Bằng Tăng (phường Long Hưng, quận Ô Môn) xảy ra ngày 13/5 làm sụp tuyến đường giao thông ven sông.

Vụ sạt lở làm sụp tuyến đường giao thông qua khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Huỳnh Thanh Việt, vụ sạt lở không gây thiệt hại nhà cửa của người dân. Tuyến đường bị sụp thuộc quản lý của quận Ô Môn nên việc khắc phục sẽ do địa phương thực hiện. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đang phối hợp theo dõi diễn biến của điểm lở nêu trên, chủ động các phương án ứng phó cần thiết.

Đại diện Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ô Môn cho biết, tuyến đường xảy ra sự cố sạt lở dài 4,15 km, đang được nâng cấp mở rộng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khu vực sạt lở đã được nhà thầu thi công hoàn thiện từ cuối năm 2024. Đơn vị cùng ngành chức năng đang phối hợp kiểm tra, tìm nguyên nhân để đưa ra phương án khắc phục.

Như phóng viên TTXVN đã thông tin, rạng sáng ngày 13/5, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường giao thông thuộc khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Điểm sạt lở nằm cặp bờ trái sông Bằng Tăng, cách cầu Mương Khai khoảng 400m về hướng Quốc lộ 91.

Đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền 4-5 m, sụp gần toàn bộ mặt đường với độ sâu 0,5-2 m, chia cắt đi lại của người dân địa phương qua khu vực.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, vụ sạt lở xảy ra vào lúc 3 giờ sáng, có tổng chiều dài 46 m; trong đó, khoảng 30 m đã sạt lở hoàn toàn, phần còn lại khoảng 16 m đang trong tình trạng răng nứt, sụp lún nghiêm trọng.

Vụ sạt lở đã gây ảnh hưởng nặng đến tuyến đường giao thông qua khu vực, có điểm sát vào tường rào nhà dân. May mắn vụ sạt lở không có thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Bà Văn Thị Bé Bảy, nhà gần vị trí sạt lở cho biết, khoảng gần 3 sáng, khi đang ngủ thì bà nghe tiếng động do mấy cây dừa bị nghiêng, trái dừa rụng xuống sông. Bà Bảy cùng chồng chạy ra soi đèn thấy bờ sông và đoạn đường bắt đầu sụp xuống, kéo dài gần một giờ mới ngưng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ sạt lở, lực lượng chức năng của phường Long Hưng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Theo phương châm "Bốn tại chỗ", Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Long Hưng đã tiến hành giăng dây và đặt biển báo nhằm cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm.

Ông Lê Võ Tâm, Chủ tịch UBND phường Long Hưng cho biết, sự cố xảy ra lúc rạng sáng, thời điểm không có người và xe cộ qua lại nên không xảy ra thương vong. Địa phương đã giăng dây, đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm và huy động lực lượng làm đường tạm vòng qua khu vực này để kết nối giao thông.

Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn Cần Thơ cũng bố trí nhân công thực hiện nối đường ống cung cấp nước sạch cho người dân.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn đã diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Chính quyền thành phố Cần Thơ đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó tập trung vào việc xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu và di dời các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao.

Tại quận Ô Môn, vào ngày 3/4, thành phố Cần Thơ đã triển khai xây dựng công trình kè chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đoạn qua địa bàn phường Thới An với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 130 tỷ đồng.

Một đoạn kè do người dân tự xây dựng bị sụp xuống sông Bằng Tăng sau vụ sạt lở. Ảnh: TTXVN phát

Dự án được xác định là công trình khẩn cấp nhằm phòng chống sạt lở và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước. Tuyến kè có chiều dài 650 m, xây dựng theo phương án kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp thảm đá gia cố mái chống xói lở. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến 2026, nguồn vốn sẽ được bố trí từ ngân sách thành phố theo kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Năm 2024, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho và ảnh hưởng đến 35 căn nhà khác. Tổng thiệt hại ước tính hơn 15 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành 12 Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 12/27 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài xử lý 2.105 m, tổng mức đầu tư 166,3 tỷ đồng. Thành phố cũng đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai.

Tác giả: Thanh Liêm

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP