1. Bánh Phu thê Đình Bảng - Bắc Ninh
Quê hương quan họ từ lâu vốn nổi tiếng với món bánh có tên gọi đặc biệt này. Truyền thuyết cho rằng, khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu chính tay vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng đi đánh trận. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ, chồng đã đặt tên bánh là phu thê, sau này còn có tên gọi là bánh xu xuê.
Bánh phu thê nhỏ cỡ bàn tay với màu vàng ươm gói trọn trong lớp lá chuối , mỗi cặp bánh được buộc chặt vào nhau bởi một sợi lạt hồng. Giống như rất nhiều loại bánh khác của miền Bắc, bánh phu thê có nhân ngọt với đậu xanh, hạt sen và dừa nạo. Dưới bàn tay khéo léo của người dân xứ Kinh kì, phần nhân này kết hợp vỏ bánh làm từ bột nếp cái hoa vàng, đu đủ xanh nạo sợi đã tạo nên hương vị hoàn hảo đối với một món quà quê. Vỏ bánh dẻo dai ôm trọn phần nhân đậu xanh ngọt dịu, thơm bùi hoà quyện vào nhau tạo thành hương vị rất riêng của món bánh chứa đựng biết bao ý nghĩa này.
2. Bánh tẻ
Miền Bắc, có khá nhiều làng nghề làm bánh tẻ nổi tiếng như làng nghề Phụng Công ( Văn Giang, Hưng Yên) ; làng Chờ ( Bắc Ninh); Phú Nhi ( Sơn Tây, HN)...bởi vậy, bánh tẻ được coi là đặc sản chung của miền Bắc. Xưa kia, bánh tẻ là món sính lễ, quà quý trong các dịp cưới hỏi, lễ tết nhưng nay, món bánh này trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày.
Bánh tẻ được làm từ bột gạo tẻ ngon với phần nhân gồm: hành khô, mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn băm... Bánh tẻ gói trong lá chuối hoặc lá dong với hai đầu nhỏ và ở giữa phình ra giống chiếc răng bừa. Bánh có thể ăn nóng hoặc nguội, chấm với một chút mắm ớt hoặc tương ớt tuỳ theo khẩu vị mỗi người. Miếng bánh mềm thơm với hương vị thanh mát là món quà quê mà bất cứ ai cũng muốn thưởng thức.
3. Bánh chưng Bờ Đậu - Thái Nguyên
Ai cũng biết đến Thái Nguyên với đặc sản chè khô tuy nhiên không phải ai cũng biết Thái Nguyên có món bánh chưng thơm ngon nức tiếng. Bánh chưng Bờ Đậu có 2 loại là bánh chưng vuông và bánh chưng dài (bánh tày). Cũng với những nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn...nhưng bánh chưng Bờ Đậu có hương vị đặc trưng riêng mà không phải bánh chưng ở nơi nào cũng có.
Bánh chưng Bờ Đậu rất ngon, bánh chắc nịch, ăn dẻo, dền, vị thơm tỏa ra từ trong tới ngoài vỏ bọc. Nếp để làm bánh là loại nếp nương đặc sản vùng Định Hóa. Lá dong được lấy từ trong rừng nên có mùi thơm đặc trưng của vùng núi rừng ở Thái Nguyên.
4. Bánh gio chấm mật Bắc Kạn
Ngoài những đặc sản của vùng núi, bánh gio đã trở thành món quà quê mà bất cứ ai ghé thăm Bắc Kạn cũng muốn mua về làm quà. Bánh gio Bắc Kạn được làm từ gạo nếp nương cùng nước tro, gói trong chiếc lá chít bánh tẻ ( giống như lá tre nhưng to hơn rất nhiều). Lá chít khiến bánh có màu vàng nâu và hương thơm đặc trưng mà bánh gio ở những nơi khác không thể có được.
Bánh tro Bắc Kạn dẻo mịn, khi ăn chấm vào bát mật mía nâu óng, sánh đặc sẽ thấy hết được hương vị đặc trưng của món quà từ núi rừng này.
5. Bánh xíu páo Nam Định
Bánh xíu páo có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng ở Việt Nam, nhắc đến món bánh này là nhắc đến Nam Định. Bánh xíu páo tuy giản dị nhưng một khi đã nếm thử thì bất cứ ai cũng sẽ nhớ mãi.
Bánh xíu páo khi nướng chín có vỏ ngoài vàng ruộm với nhiều lớp cùng phần nhân mặn gồm thịt xá xíu, mật ong, mỡ lợn, mộc nhĩ, một miếng trứng gà nhỏ...Vị ngọt ngọt của mật ong, mặn mặn của các loại gia vị đặc trưng tạo nên hương vị cho món bánh trứ danh đất Nam thành.
Tác giả bài viết: Yến Ngọc