Tin địa phương

Thới Lai - điểm sáng phát triển kinh tế ngoại thành Cần Thơ

Trải qua 15 năm thành lập, Thới Lai đã có những chuyển mình ấn tượng, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội huyện ngoại thành Cần Thơ.

Huyện Thới Lai tạo được nhiều đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Hơn 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thới Lai luôn phấn đấu, nỗ lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của huyện. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, đời sống được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm…

Trong đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều bước đột phá, mô hình cánh đồng lớn đã phát huy hiệu quả về năng suất, chất lượng và tiêu thụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá cả về quy mô và giá trị.

Đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, huy động có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển; thu - chi ngân sách hàng năm đều hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đưa vào Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 những công trình, dự án địa phương mong muốn tích hợp vào quy hoạch chung thành phố, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019. Đến nay, huyện có 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 7 xã đạt NTM nâng cao. Năm 2023, xây dựng thêm 3 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu (đã hoàn thành các tiêu chí theo quy định) đang đề nghị công nhận.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 mới đạt 13,054 triệu đồng/năm, thì đến năm 2023 đạt 71,287 triệu đồng/năm.

Tổng kết nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, cơ cấu kinh tế Thới Lai tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Nhiều mô hình sản xuất kết hợp được nhân rộng và mang lại hiệu quả tích cực, gắn với tiêu thụ và chế biến nông sản, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích đất sản xuất.

Năm 2009, tổng giá trị sản lượng CN-TTCN ước đạt 447,35 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ đạt 870,1 tỷ đồng, thì đến năm 2022, các con số này lần lượt đạt 4.787,575 tỷ đồng và 5.141,144 tỷ đồng.

Xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số là công tác quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, UBND huyện Thới Lai rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, nên công tác này đã có chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các nội dung như: công khai và tổ chức giải quyết các thủ tục hành chính ngày một tốt hơn (nhất là các dịch vụ công trực tuyến); giảm những thủ tục không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí và phiền hà cho công dân và tổ chức; tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Thới Lai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư xây dựng mới một số công trình thật sự cần thiết, có nguồn vốn đối ứng và ưu tiên thanh toán công nợ những công trình đã hoàn thành. Các công trình được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, phát huy tác dụng tốt, nhất là các công trình thủy lợi và giao thông, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.

Ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho biết, năm 2024 là năm tạo sự bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đòi hỏi huyện phải chủ động đối phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh, có giải pháp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Theo đó, Thới Lai tiếp tục triển khai 2 khâu đột phá, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thới Lai lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết của TP. Cần Thơ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 79 - 80,2 triệu đồng/năm.

Để đạt các mục tiêu đề ra, huyện tập trung vào 3 giải pháp chính:

Một là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; giáo dục - đào tạo; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...

Ba là, tăng cường công tác tiếp công dân, thanh tra tra phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt nhiệm vụ về quốc phòng, quân sự địa phương; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tác giả: Tự Huy

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP