Tin địa phương

Thời cơ mới cho Cần Thơ!

Để tăng cường hội nhập quốc tế và phát triển xứng tầm là trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Cần Thơ từ nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực quảng bá hình ảnh, giao lưu hữu nghị và kết nghĩa với một số địa phương trên thế giới, tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch…

Những kết quả đạt được đến nay rất quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố đang trên đà tăng tốc. Và trước mắt là những cơ hội mới đang mở ra.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” tổ chức tại TP Cần Thơ tháng 4-2018. Ảnh: NAM HƯƠNG

Nơi tụ hội đối ngoại và hợp tác ĐBSCL

Hằng năm, TP Cần Thơ đón tiếp nhiều đoàn đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước đến thăm và làm việc. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng thường xuyên đến tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thành phố đã ký kết hợp tác hữu nghị với các địa phương của các nước như: thành phố Nice của Pháp, tỉnh Chachoengsao của Thái Lan, thành phố Riverside của Mỹ, tỉnh Jeollanamdo của Hàn Quốc... Thành phố đồng thời luôn giữ mối quan hệ kết nghĩa với tỉnh Savanakhet và Chămpasak của Lào, tỉnh Kampong Chhnang của Campuchia, thành phố Sán Đầu của Trung Quốc… Đặc biệt, các hoạt động ngoại giao nhân dân tại TP Cần Thơ rất được chú trọng. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP có 21 hội hữu nghị thành viên. Đây là đầu mối phối hợp tổ chức các sự kiện chính trị ngoại giao của thành phố: Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp; Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia; Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 40 năm ngày ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị Việt Nam-Lào; Lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc; Ngày hội Pháp ngữ khu vực ĐBSCL; Ngày quốc tế Yoga; họp mặt kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga; chương trình giao lưu nghệ thuật Việt-Ấn; giao lưu văn hóa ẩm thực Việt-Pháp, Việt-Hàn; giao lưu thanh niên TP Cần Thơ với nhiều nước…Sắp tới, thành phố sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản; lễ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan…

Tính đến nay, TP Cần Thơ đã có quan hệ với hơn 100 địa phương nước ngoài. Hằng năm, TP cũng đều tổ chức Hội chợ Nông nghiệp quốc tế như là nơi giúp các địa phương ĐBSCL và các tỉnh, thành khác trên cả nước giao lưu, tìm hiểu và ký kết thỏa thuận hợp tác, đầu tư với các đối tác nước ngoài trên lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ thường niên không chỉ thu hút các địa phương lân cận mà còn có một số quốc gia trên thế giới tham dự.

Với vai trò là trung tâm phát triển vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã trở thành địa điểm tin cậy được lựa chọn tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Tháng 6-2018, tại thành phố đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) về “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững – Định hướng tương lai” với sự tham gia của lãnh đạo cao cấp của các cơ quan liên quan từ 53 thành viên ASEM, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực. Tháng 4-2018, tại thành phố diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Tháng 8-2017, thành phố được chọn làm nơi tổ chức Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cơ hội mới đang chờ phía trước

TP Cần Thơ là địa phương đi đầu trong tiếp nhận nhiều gói vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước và tổ chức quốc tế nhằm triển khai các dự án thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng kể nhất là Dự án Nâng cấp đô thị trị giá 110 triệu USD từ vốn vay ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp; Dự án Phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với vốn đầu tư hơn 312 triệu USD, bao gồm 242 triệu USD vay từ WB, 10 triệu USD tài trợ không hoàn lại từ SECO (Thụy Sĩ) và 60 triệu USD vốn đối ứng; Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường, kinh phí hơn 70,5 triệu euro, trong đó hơn 80% do Chính phủ Hungary cho vay không lãi suất trong 20 năm; Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu trước thách thức lớn của thế kỷ 21 là toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Quỹ Rockefeller (Mỹ) tài trợ…

Các dự án nâng cấp, phát triển đô thị và thích ứng biến đổi khí hậu góp phần giúp thành phố thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến tháng 5-2018, TP Cần Thơ đã có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 656,8 triệu USD, trong đó vốn thực hiện đạt 422 triệu USD. Thành phố có thị trường xuất khẩu với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch gần 1,8 tỉ USD/năm. Năm qua, Cần Thơ cũng đón hơn 7,5 triệu du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những thành quả trên chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của thành phố trung tâm ĐBSCL. Cần Thơ chưa có dự án FDI tầm cỡ mang tính đột phá, trong khi sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo và thủy sản. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thành phố, như giao thông thủy bộ chưa thuận lợi, đường hàng không chưa kết nối với các nước...

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, Cần Thơ đang tập trung vào các quốc gia trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Đã có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ tìm cơ hội đầu tư. Tổ công tác Nhật Bản tại thành phố cũng được thiết lập đầu tháng 11-2017. Khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản có diện tích 43ha, nằm trong khu công nghiệp Hưng Phú 1 cũng sắp được triển khai. Hiện tại, chỉ mới có 6 dự án FDI của Nhật Bản với số vốn khiêm tốn 12 triệu USD tại Cần Thơ.

Cơ hội mới sẽ đến khi vào ngày 10-8-2018, Cần Thơ sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng cùng nhau phát triển” nhằm tập trung giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của thành phố trung tâm ĐBSCL. Hội nghị sẽ giới thiệu 54 dự án mời gọi đầu tư với tổng giá trị trên 100.000 tỉ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, du lịch, logistics, công nghiệp – dịch vụ… Một số dự án lớn như: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ô Môn, Khu công nghệ cao Thới Lai, Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu du lịch Cồn Sơn, Khu vui chơi giải trí Cồn Khương, Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt và Trung tâm Dịch vụ logistics Cần Thơ.

Tăng cường quảng bá

Hiện tại, cơ sở hạ tầng du lịch của thành phố đã được tăng cường mạnh mẽ khi có sự hiện diện của một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, hiện đại. Hệ thống cầu đường của Cần Thơ đang được xây dựng, mở ra không gian phát triển kinh tế, thương mại và du lịch mới. Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có thể hoàn thành vào năm 2021, đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ có thể sớm triển khai. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà đầu tư đón đầu cơ hội khai thác tiềm năng phát triển của thành phố.

Nhưng để tiếp cận tốt hơn các nhà đầu tư tiềm năng, chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng cần phối hợp và đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, nhất là tăng cường các thông tin tiếng nước ngoài. Hiện một số trang tin điện tử ở thành phố có phiên bản tiếng nước ngoài nhưng thông tin ít ỏi, tản mạn. Nhằm nâng cao hiệu quả thông tin, Cần Thơ cần tính đến việc tạo lập một địa chỉ điện tử riêng hoặc nâng cấp trang điện tử hiện có để mở rộng chuyên mục quảng bá hướng đến đối tượng thu hút đầu tư cụ thể. Cơ quan phụ trách trang điện tử cần đặt hàng, huy động những chuyên gia từ các sở, ban ngành, tổ chức, hiệp hội tham gia biên soạn tài liệu quảng bá sao cho sinh động, có chiều sâu.

Tác giả: KIẾN HÒA

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP