Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng xe chở thi thể nhà báo Saudi

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét hình ảnh ghi lại từ camera trên đường cao tốc nhằm xác định chiếc xe màu đen được cho là chở thi thể nhà báo Jamal Khashoggi bị giết.

Theo các điều tra viên, chiếc xe màu đen nằm trong 6 chiếc thuộc về nhóm người Saudi Arabia được cho là đứng đằng sau vụ sát hại ông Jamal Khashoggi, nhà báo thường xuyên phê phán giới cầm quyền ở vương quốc Vùng Vịnh.

Tiết lộ mới về vụ sát hại

Quan chức cho biết đoàn xe rời Tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul 2 giờ sau khi ông Khashoggi bước vào lãnh sự quán. Theo hình ảnh từ camera an ninh, những chiếc xe mang biển số ngoại giao được chất nhiều hộp. 3 chiếc rẽ trái vào đường chính trong khi 3 xe còn lại rẽ phải, sau khi ra khỏi khuôn viên lãnh sự quán.

Các điều tra viên cho rằng một trong những phương tiện, với kính cửa sổ chắn đen, là trọng tâm cuộc điều tra và đang lần theo dấu tới một đường cao tốc gần đó.

Gần một tuần sau khi ông Khashoggi biến mất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thúc giục Riyadh giải thích những chuyện đã xảy ra với nhà báo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giữ giọng thận trọng khi kêu gọi giải quyết vụ việc trong lúc quan chức chính phủ và truyền thông nhà nước đưa ra các cáo buộc nhỏ giọt. Những chi tiết về đoàn xe là do tờ Daily Sabah ủng hộ chính phủ tiết lộ.

“Chúng ta phải có kết quả điều tra sớm nhất có thể. Quan chức lãnh sự không thể tự cứu mình bằng cách nói đơn giản là: 'Ông ấy đã rời đi'”, Guardian dẫn lời ông Erdogan, người đang có chuyến công du Budapest, Hungary.

Người biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Saudi ở Istanbul. Ảnh: AFP/Getty.

Quan chức cấp cao Ankara tin rằng nhà báo Khashoggi bị giết bởi nhóm người Saudi được cử đến Istanbul nhằm bắt cóc hoặc sát hại ông. Chiều 2/10, nhóm này có thể đã nằm chờ ông Khashoggi đến lãnh sự quán. Đây là lần thứ 2 ông đến làm thủ tục ly hôn, chuẩn bị cho đám cưới sắp diễn ra, trong khi người vợ sắp cưới, Hatice Cengiz, chờ bên ngoài.

Theo ghi nhận từ phía hàng không, hôm 2/10, 2 máy bay Saudi đáp tới sân bay Ataturk tại Istanbul, và rời đi cùng ngày, vài giờ sau khi ông Khashoggi được nhìn thấy lần cuối.

Chính quyền Saudi tiếp tục khẳng định không liên quan đến vụ việc. Họ thừa nhận một “phái đoàn an ninh” được cử đến Istanbul hôm 29/9 nhưng không cho biết lý do của chuyến đi.

Các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ bóng gió rằng họ biết nhiều hơn những gì đã được tiết lộ về vụ mất tích. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ luôn cảnh giác và thường cố tránh đối đầu công khai. Hai quốc gia có quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng, đồng thời đang chạy đua ảnh hưởng trong khu vực.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng

Các nhà phân tích nói rằng ông Khashoggi có thể bị giới lãnh đạo Saudi xem là đặc biệt nguy hiểm. Trong nhiều thập kỷ, ông là người thân cận với giới cầm quyền, biên tập viên một tờ báo Saudi và cố vấn cho một cựu lãnh đạo tình báo nước này.

Sống lưu vong tại Mỹ hơn một năm nay, ông thường xuyên lên tiếng chỉ trích Hoàng gia Saudi cũng như quyền lực áp đảo của họ.

Tổng lãnh sự Saudi tại Istanbul Mohammed al-Otaibi cho phép phóng viên đi xem bên trong lãnh sự quán hôm 6/10 để chứng minh rằng ông Khashoggi không có ở đây. Ảnh: Reuters.

Turan Kislacki, bạn của Khashoggi, cho hay ông nói rằng đã được Thái tử Mohammed bin Salman mời về Riyadh làm cố vấn. Trước khi vào lãnh sự quán, ông Khashoggi để lại điện thoại cho bà Cengiz và nhờ bà liên lạc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nếu không thấy ông trở ra. Sau 4 tiếng, bà Cengiz trình báo cảnh sát nhưng lúc này, đoàn xe của nghi phạm có thể đã rời lãnh sự quán.

Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống camera giám sát đường cao tốc chặt chẽ nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra tội phạm.

Vụ biến mất của nhà báo đã khiến nhiều người dân nước này và một số khu vực ở Riyadh bàng hoàng. Ngày 8/10, những lời kêu gọi làm sáng tỏ vụ việc từ cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng.

“Đây là các cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi đã biết về những báo cáo mới nhất và đang phối hợp khẩn cấp làm sáng tỏ, gồm cả với chính phủ Saudi Arabia”, người phát ngôn Văn phòng Đối ngoại Anh cho biết trong lần đầu tiên đề cập đến các cáo buộc.

Pháp cũng đã lên tiếng yêu cầu Saudi có lời giải thích về việc biến mất của nhà báo “xuất sắc và được kính trọng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng minh của Saudi Arabia, từng nói sẽ đứng ngoài công việc nội bộ của nước này. Tuy nhiên, hôm 8/9, ông đã bày tỏ “quan ngại” với "một số câu chuyện tồi tệ” về ông Khashoggi.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP