Eximbank lại rơi vào vòng xoáy tranh chấp quyền lực mới? (bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc) |
Ngày 22/3, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK: EIB) bất ngờ công bố quyết nghị bầu bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày này thay cho ông Lê Minh Quốc đã bị bãi nhiệm. Ngay sau đó, chiều 25/3, tại Hà Nội, ông Lê Minh Quốc đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với một số tờ báo.
Phản ứng về việc này, ông Quốc cho rằng, nhóm cổ đông Nhật - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Cổ đông chiến lược của Eximbank - SMBC) có trách nhiệm lớn trong vấn đề gây rối loạn ở Eximbank giai đoạn vừa qua.
”Tôi rất nhiều lần yêu cầu trao đổi trực tiếp với lãnh đạo SMBC Tokyo nhưng họ né tránh nên tôi thật sự không biết họ đang định làm gì với một ngân hàng Việt Nam và có cổ đông Việt Nam trong bối cảnh hiện tại”, ông Quốc nói.
Cụ thể hơn, theo ông Quốc, vài tháng trước, SMBC đề xuất thuê tư vấn để hỗ trợ quy trình đánh giá năng lực của thành viên HĐQT Eximbank. Họ nói rằng, việc này sẽ giúp đỡ cho Chủ tịch HĐQT trong quá trình đánh giá hoạt động của các thành viên HĐQT theo luật định. Ý tưởng này tốt nên được HĐQT ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, SMBC lại đề xuất thành lập một ủy ban độc lập để giám sát quá trình triển khai dự án cũng như kết quả khuyến nghị của các đơn vị tư vấn.
Điều đáng nói, theo cựu chủ tịch Eximbank, thành phần của Ủy ban độc lập lại chủ yếu là người của SMBC và của một nhóm cổ đông, không đại diện cho đa số cổ đông dẫn đến kết quả đánh giá thiên vị cho một nhóm cổ đông và gây bức xúc cho nhiều cổ đông khác về mục đích triển khai dự án cũng như tính minh bạch, khách quan của các khuyến nghị.
Theo ông Quốc, “lợi dụng các khuyến nghị không mang tính khách quan này, một nhóm thành viên HĐQT đã nhóm họp bất hợp pháp để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay tôi làm Chủ tịch HĐQT vào ngày 22/3/2019. Phiên họp này, hai thành viên HĐQT vắng mặt”, ông nói.
Ông Quốc cũng nói rằng, khi phát hiện dấu hiệu về một số sai phạm ở Eximbank, ông đã có đơn gửi cơ quan chức năng, gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng cho đến nay chưa có buổi tiếp xúc trực tiếp nào từ phía các đơn vị kể trên.
Trái với ý kiến ông Quốc, Eximbank khẳng định: Việc HĐQT Eximbank đã tổ chức họp phiên 22/3/2019 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Bà Lương Cẩm Tú thì cho biết, bà được chọn do tín nhiệm của nhóm cổ đông.
Ngân hàng Nhà nước: Ai làm sai sẽ bị xử lý
Có hay không lợi ích nhóm sau việc các nhóm cổ đông đột ngột muốn thay chủ tịch HĐQT Eximbank độc lập?
Chiều 25/3, chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện cơ quan thanh tra NHNN cho biết, về việc này NHNN đã có văn bản gửi yêu cầu Eximbank báo cáo chi tiết. “Theo quy định ngân hàng thay chủ tịch hay thành viên HĐQT sẽ báo cáo NHNN trong vòng 7 ngày. Chỉ có vị trí tổng giám đốc là người điều hành hoạt động trực tiếp của ngân hàng mới phải có sự phê chuẩn của NHNN về chuyên môn, đạo đức và không vi phạm pháp luật”, vị đại diện thanh tra nói.
Ngày 26/3, cũng đại diện cơ quan thanh tra NNHH khẳng định: Đã yêu cầu Eximbank làm rõ sự việc theo quan điểm phải tập hợp đầy đủ tất cả các văn bản để báo cáo lên NHNN. “Quan điểm của NHNN sẽ không bênh ai cả. Tất cả phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý” đại diện cơ quan Thanh tra NHNN nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cuộc họp lần 1 của Eximbank với 5 thành viên có mặt 2 thành viên ủy quyền tức 7/10 mới đạt 70% ( quy định là 75%). Sau triệu tập lần 1 bất thành (có mời nhưng Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc không có mặt), HĐQT Eximbank đã tiến hành họp lần 2 cũng với 7/10 thành viên và đến cuộc họp lần 3 (vẫn 7/10 có mặt) mới tiến hành việc bãi nhiệm trên.
Tác giả: Khánh Huyền - Tuấn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Tiền phong