Từ ngày 6/5, cầu Trần Hoàng Na chỉ cấm xe container theo giờ, không cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ như trước. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) |
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư cầu Trần Hoàng Na, cho biết được sự thống nhất của các cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý đã cho thay biển cấm xe qua cầu Trần Hoàng Na.
Biển cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải trên 3,5 tấn được đặt tại dốc cầu Trần Hoàng Na phía bờ Cái Răng đã được thay thế bằng biển cấm xe container theo giờ, khung giờ cấm từ 7h30 đến 10h30 và từ 16h đến 18h30.
Trong khung giờ được phép lưu thông, xe container từ hướng Quốc lộ 1A, quận Cái Răng sau khi qua cầu Trần Hoàng Na sẽ rẽ phải ra đường Ba Mươi Tháng Tư hoặc đường Ba Tháng Hai rồi đi vào đường Nguyễn Văn Linh.
Hiện tại, đường Nguyễn Văn Linh (Quốc lộ 91B) cũng có khung giờ cấm xe container lưu thông tương tự như cầu Trần Hoàng Na.
Theo ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông thành phố Cần Thơ, cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư lắp đặt thêm biển cấm quay đầu khi qua cầu Trần Hoàng Na.
Ngoài ra, điểm mở dải phân cách gần sát dốc cầu phía quận Ninh Kiều đã được đóng lại và dời về phía trước hẻm 49 đường Trần Hoàng Na, hướng về đường Ba Mươi Tháng Tư khoảng 100m để đảm bảo an toàn giao thông.
Cầu Trần Hoàng Na gần 800 tỷ đồng, đã được thông xe ngày 26/4 nhưng đặt biển cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ lưu thông qua cầu từ hướng quận Cái Răng qua quận Ninh Kiều. Điều này khiến người dân bất ngờ.
Nhiều tài xế cho rằng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ được xây dựng với kinh phí gần 800 tỷ đồng nhưng chỉ cho xe tải dưới 3,5 tấn và xe khách dưới 16 chỗ lưu thông là chưa hợp lý. Đồng thời điểm mở dải phân cách gần sát dốc cầu phía quận Ninh Kiều rất nguy hiểm.
Chủ đầu tư cầu Trần Hoàng Na cho rằng, biển cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ được đặt trong thời gian thi công cầu, tuyến đường nối lên cầu và nút giao IC1.
Hiện nút giao này và cả các đường dân sinh dưới cầu vẫn đang trong quá trình thi công nên phải hạn chế một số phương tiện tải trọng lớn để đảm bảo an toàn cho việc đi lại và thi công.
Thêm nữa, cầu Trần Hoàng Na là cầu đô thị, đi qua các khu vực đông dân cư, trường học. Do đó, không thể thả nổi cho các phương tiện tải trọng lớn hướng từ phía quận Cái Răng (giao với Quốc lộ 1A) đi vào trung tâm thành phố mà không kiểm soát.
Chủ đầu tư và các ngành chức năng sẽ thống nhất các phương án tối ưu, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông qua cầu và đường Trần Hoàng Na trong thời gian sớm nhất.
Cầu Trần Hoàng Na hiện cấm xe container theo giờ thay vì cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ như trước đó. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) |
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối liền quận Ninh Kiều và Cái Răng có tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 800 tỷ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Công trình được khởi công từ ngày 18/9/2020, dự kiến hoàn thành sau 22 tháng thi công. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, công trình thi công chậm tiến độ, đến ngày 30/12/2023 mới thông xe kỹ thuật.
Cầu được dự kiến đưa vào khai thác dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng không thực hiện được do phải bổ sung một số thủ tục theo quy định.
Cầu Trần Hoàng Na là cây cầu thứ tư bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng. Cầu có chiều dài 820m bao gồm cả đường dẫn.
Chiều rộng phía bờ Ninh Kiều là 37m, phía Cái Răng là 23m. Bề rộng cầu tại nhịp chính là 23m, nhịp biên là 29,3m, tại sàn vọng cảnh là 34,6m. Độ cao thông thuyền là 7m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75m.
Cầu được thế kế dạng cầu vòm chạy giữa, gồm ba nhịp kết cấu theo 49m+150m+49m, tổng chiều dài cầu là 586,9m, vận tốc thiết kế 60km/h./.
Tác giả:
Nguồn tin: vietnamplus.vn