Với hầu hết các bậc cha mẹ trên đời, đặc biệt là những người mẹ Á Đông, con cái được coi là tài sản quý nhất nên dù có thế nào đi nữa cũng phải cố gắng vì con; kể cả khi hạnh phúc riêng của mình không còn, bị đe dọa, khổ sở, cũng nghĩ mình phải chịu đựng vì hạnh phúc của con… Có một câu cửa miệng mà rất nhiều người, nhiều chuyên gia tư vấn được nghe từ các cặp đôi không hạnh phúc, giải thích vì sao họ vẫn không buông tay giải thoát cho nhau, là “Còn bọn trẻ…”
(Ảnh: Internet)
Và các chuyên gia nói gì, hãy thử tìm hiểu qua một lá thư của một người trong số đó:
“Thân gửi các cặp vợ chồng không ly hôn, cố gắng chung sống vì con,
Xin chúc mừng cho quyết định tiếp tục chung sống của các bạn. Việc lèo lái qua những thăng trầm của một mối quan hệ gắn bó dài lâu đòi hỏi sự kiên gan bền chí và sự tin tưởng nhất định. Tôi hy vọng quyết định của các bạn đi cùng với lựa chọn sẽ khiến cho mối quan hệ này sâu sắc hơn, tìm cách giải quyết những mâu thuẫn bằng sự cảm thông và can đảm, cũng như mơ về việc có thể già đi bên nhau, tạo nên một giai thoại độc đáo cho con cháu sau này.
Ngoài ra, tôi cũng xin tán thưởng sự cống hiến mà các bạn dành cho con mình. Việc cố hết sức ưu tiên con cái hơn tất cả đã nói lên nhiều điều về bạn. Làm cha mẹ là một việc khó khăn, thường còn chẳng được cảm ơn, nhưng tôi biết con cái các bạn sẽ rất biết ơn vì sự tận tụy mà các bạn dành cho chúng.
Nhưng nếu cuộc hôn nhân của các bạn đã thật sự khổ sở, khiến mọi người kiệt sức, không còn niềm vui, làm ơn, xin làm ơn, đừng ở lại bên nhau chỉ vì con.
Bạn không hề cho con mình ân huệ nào bằng việc để chúng sống trong một gia đình đầy mâu thuẫn. Tệ hơn nữa, bạn còn cướp đi của con cơ hội được học hỏi cách người lớn duy trì, nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh như thế nào, cả khi khó khăn hay hạnh phúc.
(Ảnh: Internet)
Rõ ràng ly hôn là việc gây sang chấn với bất cứ gia đình nào, nhưng việc níu giữ nhau lại trong một mối quan hệ không còn cảm xúc tích cực cũng đem lại điều tương tự. E. Mavis Heatherington, giáo sư danh dự tại Khoa Tâm lý, UVA, cũng là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ly hôn đã nói rằng, ‘Nếu trẻ nhỏ sống với cha mẹ - những người khinh thường lẫn nhau, kể cả khi không cãi vã, mắng chửi mà chỉ giễu cợt và làm bẽ mặt nhau một cách tinh vi, tấn công vào sự tự tôn của nhau, cũng đều là những điều rất tệ.’
Heatherington lưu ý một trong những điều hoang đường dai dẳng nhất về ly hôn là ‘trẻ nhỏ luôn bị thua thiệt’. Trong suốt 25 năm nghiên cứu của mình, bà thấy rằng 75-80% trẻ nhỏ trong những gia đình tan vỡ vì ly hôn ‘có thể đương đầu khá tốt và sinh hoạt bình thường.’ Với những đứa trẻ, việc ly hôn có thể là cái kết của một thế giới (không phải là cả thế giới), khi bố mẹ chính là những người có cơ hội để dệt nên một hiện thực mới cho con cái dựa vào khả năng hồi phục và thích nghi của mình.
Robert Emeny, một nhà nghiên cứu hàng đầu về vấn đề ly hôn và những đứa trẻ, nói rằng, ‘Hầu hết những đứa trẻ đều có khả năng hồi phục.’ Dưa vào 25 năm nghiên cứu của mình, ông nói, ‘Sự thật là kể cả khi đã thất bại trong cuộc hôn nhân của mình, các bạn vẫn có thể thành công với cuộc ly hôn.’
Và chìa khóa để ly hôn thành công, nơi những đứa trẻ được quan tâm, cân nhắc sao cho được nhận những gì tốt đẹp nhất có thể, nằm ở:
Việc tạo giới hạn - Dù quyết định tiếp tục ở lại cuộc hôn nhân này, đang tiến hành thủ tục ly hôn hay đã ly hôn hoàn tất, bạn cũng cần đặt ra những quy tắc kiểm soát, dạy dỗ và bảo vệ các con khỏi mối quan hệ căng thẳng mà mình đang có. Những quy tắc và ranh giới nên rõ ràng và cụ thể. Điều này diễn ra một cách tự nhiên với hầu hết các cặp đôi hạnh phúc, lành mạnh, nhưng khi các bạn không còn gắn bó (về thể chất hay tình cảm), các ranh giới cũng thường cũng tan rã theo. Hãy cố gắng thống nhất, thiết lập lại những ranh giới rõ ràng về chuyện kỷ luật, quản lý thời gian, bổn phận tài chính… để giảm thiểu sự mập mờ, lộn xộn và mọi việc sau đó suôn sẻ hơn.
Hãy để các con được là trẻ con - chúng xứng đáng có tuổi thơ, đồng nghĩa với việc được đi chơi, được đọc truyện, xem phim, được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, được xin không đánh răng (tuy rằng bạn sẽ phải từ chối yêu cầu này)... Đừng bắt con phải chịu đựng nỗi đau từ xung đột của người lớn, phải nghe những câu chuyện, giãi bày, chứng kiến cảm xúc tiêu cực mà bố mẹ dành cho nhau, hoặc vạch ra cho chúng thấy sự chia tách này tổn hại đến chúng ra sao. Hãy ghi nhận sự dũng cảm và khả năng thích nghi của con, ở tiêu chuẩn của một đứa trẻ.
(Ảnh: Internet)
Làm mẫu cho con về sự hồi phục - Trẻ con cần được người lớn hướng dẫn. Hãy cho chúng thấy bạn buồn một cách thích hợp, hãy nhờ giúp đỡ khi bạn cần đến, nhưng cũng hãy nắm bắt những cơ hội để chăm lo cho sức khỏe và hạnh phúc của mình. Hãy để xung quanh mình, và xung quanh con, là những người hỗ trợ cho phép các bạn được bộc lộ mình, trải nghiệm và vượt qua những khó khăn phù hợp với lứa tuổi. Hãy tìm những cơ hội để trưởng thành lên và hạnh phúc, kể cả khi mối quan hệ của bạn đang khổ sở. Ở lại với nhau ‘vì con’ là việc các bạn đối đầu với khó khăn theo cách chịu đựng bị động chứ không phải đối diện với khó khăn để vượt qua và hồi phục lại.
Cặp đôi không hạnh phúc vẫn có những trách nhiệm với con cái, nhưng không nhất thiết phải ở lại bên nhau vì điều đó.
Cuối cùng, xin nói lại rõ rằng: Tôi hy vọng các bạn có thể ở lại bên nhau, rất nhiều người khác cũng hy vọng điều đó. Nhưng nếu cả hai bạn lẫn các chuyên gia tư vấn đều không thể sửa chữa, cứu vãn mối quan hệ này, tôi muốn giục bạn cân nhắc đến việc ly hôn. Khả năng là cuộc ly hôn thành công của các bạn mới là điều tốt đẹp nhất có thể làm cho con, vì trẻ nhỏ chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình ổn định, với những mâu thuẫn ở mức độ thấp, trong tầm kiểm soát.”
Theo huffingtonpost
Tác giả bài viết: trinhngocminh/theo Luna
Nguồn tin: