Chỉ huy Charles Brown, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm 1-10 đã tiết lộ thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh kiểu tiếp cận của tàu Trung Quốc trong vụ việc này là "thiếu an toàn và không chuyên nghiệp".
"Tàu khu trục lớp Lữ Dương tiến đến gần tàu USS Decatur theo cách không an toàn và không chuyên nghiệp tại khu vực gần đá Gaven trên biển Đông"- ông Brown cho biết.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Harbin của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP |
Hành động áp sát này của tàu Trung Quốc xảy ra khi tàu khu trục Decatur hôm 30-9 thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại biển Đông. Theo lời giới chức Mỹ, tàu Decatur đã thực hiện cuộc tuần tra kéo dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Theo lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tàu Trung Quốc "đã thực hiện thêm một loạt hành động hung hăng hơn nữa và cảnh báo yêu cầu tàu Decatur rời khỏi khu vực".
"Khu trục hạm Trung Quốc chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41 m và khu trục hạm Decatur đã đổi hướng để tránh va chạm" – ông Brown tiết lộ thêm. Người phát ngôn này nhấn mạnh các máy bay và tàu Hải quân Mỹ hoạt động thường lệ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. "Chúng tôi đã hoạt động nhiều thập kỷ, lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, lưu thông tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Theo đài CNN, nhận định về diễn biến này, ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Hải quân Mỹ với kinh nghiệm 12 năm làm việc trên biển, cho biết việc tiếp xúc ở cự ly gần khiến thuyền trưởng chỉ có vài giây để tiến hành đổi hướng.
"Tình huống này rất nguy hiểm. Các thuyền trưởng rất căng thẳng khi tàu bị áp sát ở khoảng cách dưới 900 m "- ông Schuster, hiện là một giáo sư ĐH Hawaii Pacific, nói.
Vị cựu chỉ huy cho biết thêm trong những tình huống như vậy, cần phải bẻ lái trong phút chốc và điều chỉnh tốc độ động cơ chính xác để giữ khoảng cách với đối phương, thậm chí một sai lầm nhỏ có thể dẫn tới đụng độ.
Theo ABC News, các tàu của Trung Quốc vẫn thường tiếp cận tàu Hải quân Mỹ ở các hoạt động FONOP trước đó ở biển Đông nhưng vụ việc hôm 30-9 có vẻ là lần tiếp cận gần nhất.
Vụ việc diễn ra giữ lúc căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng vì một loạt vấn đề. Trong tuần trước, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã đi xuống nghiêm trọng giữa lúc hai bên còn đang dính vào một cuộc xung đột thương mại gay gắt.
Tuần rồi, máy bay B-52 của Không quân Mỹ đã tiến hành một sứ mệnh qua biển Hoa Đông và 2 chuyến bay khác của B-52 được tiến hành qua biển Đông. Cũng trong tuần này, Trung Quốc từ chối cho tàu Hải quân Mỹ USS Wasp cập cảng ở Hồng Kông và triệu tập một quan chức hải quân cấp cao bỏ ngang cuộc họp đã lên kế hoạch trước đó với người đồng cấp của Hải quân Mỹ.
Hôm 1-10, phía Mỹ xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã hủy chuyến đi tới Trung Quốc lẽ ra thực hiện trong tháng 10 sau khi Trung Quốc từ chối sắp xếp cho ông chủ Lầu Năm Góc gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa mà sắp xếp một quan chức cấp thấp hơn tiếp đón.
Tác giả: Đỗ Quyên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động