Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, 2 cái chết liên tiếp do tai nạn vì tôn cứa cổ cuối tuần qua là vô cùng đáng tiếc do một phần nạn nhân chưa được sơ cứu đúng cách tại hiện trường. Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn là kỹ năng sơ cứu trong cộng đồng chưa tốt, đặc biệt là cách cầm máu. Thực tế, những vết thương mạch máu như trên nếu được sơ cứu đúng cách, đảm bảo không mất máu quá nhiều, khi đến bệnh viện chỉ cần được khâu nối lại là có thể cứu được tính mạng nạn nhân.
Cách sơ cứu bằng băng ép qua vết thương vùng cổ để cầm máu.
Nạn nhân bị vết thương mạch máu thường có xu hướng ngất xỉu rất sớm do tính chất đột ngột của tai nạn. Tình trạng mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh, còn có thể do người gặp nạn quá lo lắng, thấy nhiều máu nên sợ hãi rồi ngất xỉu. Người dân tại hiện trường lại theo tâm lý chung rất sợ khi thấy máu, không ai dám vào trợ giúp, sơ cứu nạn nhân. Hiệu ứng đám đông mất bình tĩnh càng làm cho việc sơ cứu ban đầu bị trì trệ, theo phân tích của bác sĩ Hậu.
Bình thường mỗi lần hiến máu của một người có thể đến 350 ml mà vẫn tỉnh táo và làm việc bình thường. Giả sử khi bị tai nạn, lượng máu mất đến đơn vị lít, nếu tạm cầm máu được vẫn có thể cứu mạng nạn nhân. Tuy nhiên trên thực tế một lít máu mà thấm ra quần áo và môi trường xung quanh thì sẽ khiến rất nhiều người sợ hãi. Tâm lý chung của nhiều người khi thấy nạn nhân chảy máu nhiều kèm với ngất xỉu cứ nghĩ đã chết nên vội vàng buông xuôi mà không cố gắng cứu chữa thêm nữa.
Bác sĩ Hậu cho biết Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM thường cấp cứu nạn nhân với vết thương mạch máu. Nguyên nhân phổ biến là do tai nạn giao thông hoặc trong sinh hoạt bị tai nạn dẫn đến vật sắc nhọn đâm, cứa như dao, thanh kim loại, tấm tôn, dây cước… Những vết thương này có thể chỉ gây ra chảy máu nhẹ tự cầm được, nhiều trường hợp nặng dẫn đến mất máu nghiêm trọng gây tử vong nếu không được sơ cứu ban đầu đúng cách và chậm đến bệnh viện.
Minh họa tình huống thực tế cách băng ép từ vùng cổ qua nách đối diện.
Sơ cấp cứu vết thương mạch máu đúng cách không phải là một kỹ năng quá phức tạp. Điều quan trọng là người sơ cứu tại hiện trường phải bình tĩnh, gọi người xung quanh hỗ trợ ép ngay chỗ đang chảy máu. Sau đó, dùng các vật dụng có tại nơi xảy ra tai nạn băng ép có trọng điểm để cầm máu vết thương, trong thời gian sớm nhất đảm bảo vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sơ y tế hay bệnh viện gần nhất.
Theo phân tích của bác sĩ Hậu, trường hợp nạn nhân bị tôn cứa ở vùng cổ khả năng mất máu sẽ nghiêm trọng hơn vì 2 bên cổ là 2 hệ thống động mạch cảnh, là mạch máu rất lớn nuôi vùng đầu, cổ và nhu mô não. Hệ thống động mạch lớn rất quan trọng của cơ thể nhưng lại khó băng ép hơn so với ở tay hay chân. Chính vì vậy, nếu không được sơ cứu đúng cách thì khả năng tử vong sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đó cũng không phải là lý do để không làm gì cứu nạn nhân.
Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải tuân theo nguyên tắc cơ bản của sơ cứu vết thương mạch máu là băng ép có trọng điểm vết thương. Trước tiên, người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có sẵn như gạc, khăn tay hay miếng vải cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương. Có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân.
Cách đơn giản hơn rất nhiều, dễ làm và dễ nhớ là băng ép cổ choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân (hình minh họa trên). Chú ý cố định vùng cổ rồi nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Một số cách sai lầm trong sơ cứu nạn nhân là đắp thuốc lá, tro, các loại bột hoặc dùng quần áo che vết thương lại. Như thế dễ làm vết thương nhiễm trùng và không quan sát được tình trạng máu chảy, gây khó khăn hơn cho việc điều trị tại bệnh viện về sau.
Qua những vụ việc đáng tiếc trên, về khía cạnh y khoa, bác sĩ Hậu cho rằng việc phổ biến kiến thức sơ cấp cứu cho người dân từ các cơ quan đoàn thể nói riêng và ngành y tế nói chung là rất cần thiết. Nếu làm tốt giai đoạn sơ cứu tại hiện trường thì nhiều nạn nhân sẽ được cơ hội cứu sống hơn, chi phí điều trị sau đó thấp hơn. Đặc biệt hữu ích trong bối cảnh có rất nhiều người dân bị tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt như ở Việt Nam.
Hiện nay hội chữ thập đỏ, bệnh viện lớn, trung tâm cấp cứu đều mở lớp sơ cấp cứu cho các cơ quan, trường học, đoàn thể, hội nghề nghiệp… song lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Bác sĩ Hậu nhìn nhận: ''Nhiều người nghĩ rằng học kỹ năng này cả đời không dùng đến thì rất phí, tốn thời gian. Thật ra khi sơ cứu thành công, giúp cứu tính mạng một người khì không hạnh phúc nào có thể đánh đổi được''.
Tác giả bài viết: Trần Ngoan