Trong nước

Tài sản tham nhũng vẫn còn 'ẩn nấp'

Sáng 12/1, tại phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao. Án tham nhũng và vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng nhận được sự quan tâm đặc biệt tại phiên họp này.

Các bị cáo trong vụ xử sai phạm liên quan đến khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn (TPHCM) ảnh: tân châu

Thu hồi tài sản tham nhũng 80 nghìn tỷ đồng

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, trong nhiệm kỳ, số vụ án được phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, đã khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, nhiều vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm. “VKSND Tối cao đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế”, ông Trí nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, theo ông Trí, tổng số tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện KSND Tối cao thẳng thắn cho rằng, còn một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội, hoặc có chỉ tiêu không thể thực hiện. Điển hình như có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự. Còn để xảy ra một số trường hợp oan; trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng…

Trong khi đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được gần 2,4 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%. Ông Bình khẳng định, chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%. “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật”, ông Bình cho hay.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm hơn 7.400 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với hơn 14.500 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao khi tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tăng qua các năm. Cùng với đó, TAND Tối cao đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. 100% vụ án và bị cáo bị áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, truy tố tiếp tục được Tòa án giữ nguyên việc áp dụng các biện pháp này trong giai đoạn xét xử.

Ðề xuất sớm ban hành Luật Ðăng ký tài sản

Giải trình về việc thu hồi tài sản gia tăng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trước đây, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cả tòa án chỉ tuyên án chứ không tính đến việc thu hồi. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngay từ khi khởi tố vụ án, điều tra phải quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản.

Một điểm mới nữa trong thu hồi tài sản là nhiều thủ tục được tháo gỡ. Trước đây, tính phối hợp trong việc này không cao, song tới nhiệm kỳ này đã có sự phối hợp ngay từ đầu. Chúng ta cũng đã ban hành hàng loạt thủ tục hỗ trợ cho việc này. Nhưng ông Trí cho rằng “Bát nước đổ đi, khi hốt lại thì không bao giờ đầy được nữa”. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ này tăng lên 4 - 5 lần so với nhiệm kỳ trước, nhưng nói tăng 100% thì không đạt.

Tuy nhiên, để thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn, theo ông Trí, cần sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản. Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, hiện việc kê khai tài sản chỉ trong hệ thống chính trị, nhưng những người tham nhũng thì không bao giờ tự đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên.

Về vai trò của luật sư trong các vụ án tham nhũng lớn, theo ông Trí, luật sư vừa góp phần bảo vệ quyền con người, nhưng khi hành nghề lại có yếu tố tìm mọi cách để bảo vệ thân chủ. Ông Trí dẫn chứng, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng, nhưng sau luật sư vào gặp thì không nói gì đến chuyện 800 tỷ đồng nữa. “Luật sư nói, nếu ông nộp 800 tỷ, người ta sẽ hỏi ở đâu có 800 tỷ, là ông tham nhũng còn chết hơn. Thế là đối tượng tiệt luôn không nói đến nữa”, ông Trí cho hay.

Cũng có vụ án khác, bị can hứa nộp 500 tỷ đồng, nhưng khi vợ của bị can vào gặp chỉ một lần duy nhất, sau đó không bao giờ chấp nhận nộp lại tiền. “Vợ họ nói gì mình không biết, nhưng sau những cuộc gặp như thế bị can lại thay đổi lời khai”, ông Trí cho biết thêm.

“Bây giờ có những người chỉ hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân, chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng”.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí

Tác giả: THÀNH NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP