Đẹp

'Son dưỡng gây nghiện' và 9 lời đồn chăm sóc da

Không ít lời truyền miệng về chủ đề skincare, như dùng son dưỡng gây nghiện hay retinol làm mỏng da, khiến nhiều người hoang mang.

Dường như ai cũng có thắc mắc về làn da của mình, và từng tin vào ít nhất một "tin đồn" phổ biến về chăm sóc da.

Theo bác sĩ da liễu Anne Gürtler, đến từ Phòng khám Da liễu và Dị ứng học Munich tại Đại học Ludwig Maximilian (Đức), nhiều trong số những câu hỏi và lời đồn đoán đó đều cách lý giải đơn giản, Vogue đưa tin.

Tắm hàng ngày thực chất không có hại cho làn da. Ảnh minh họa: Sarah Chai/Pexels.

Da có bị “lờn” nếu dùng kem dưỡng ẩm hàng ngày không?

Câu trả lời là không. Theo bác sĩ, làn da sẽ không ngừng sản xuất chất béo chỉ vì đã được bôi kem dưỡng bên ngoài. Nói cách khác, một làn da khỏe mạnh sẽ không ngừng tiết dầu tự nhiên. Vì vậy, hãy cứ thoải mái dưỡng ẩm mà không cần lo lắng.

Retinol có làm da mỏng đi không?

Bác sĩ Gürtler cho biết đây là một trong những "tin đồn" phổ biến nhất về chăm sóc da. Retinol, một dạng của vitamin A, được sử dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc da nhờ khả năng kích thích sản sinh collagen, giảm nếp nhăn và vết chân chim.

Quan niệm "retinol làm mỏng da" xuất phát từ thực tế rằng hoạt chất này tẩy tế bào chết ở lớp sừng trên cùng, giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào. Do đó làn da tạm thời trông "mỏng hơn", đặc biệt nếu bị kích ứng hoặc khô trong giai đoạn mới bắt đầu dùng retinol.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng da thực sự trở nên dày hơn sau khi sử dụng retinol.

Tắm hàng ngày có hại cho da không?

“Tắm gội thường xuyên không có hại. Miễn là bạn không ngâm mình quá lâu với nước quá nóng”, bác sĩ nói. Bà khuyến nghị không tắm quá 5 phút, nên tắm bằng nước ấm với nhiệt độ tương đương với nhiệt độ cơ thể, đồng thời khuyến khích sử dụng các loại kem dưỡng da ngay sau khi tắm xong.

Những người có làn da khô và viêm da cơ địa không nên sử dụng xà phòng thông thường, thay vào đó chất tẩy rửa không chứa xà phòng (syndet) hoặc chất tẩy rửa dạng dầu để tránh gây thêm tổn thương cho hàng rào bảo vệ da.

Môi có thể bị cháy nắng không?

“Da môi dễ bị cháy nắng và biểu hiện rõ rệt. Lớp sừng của môi rất mỏng và vùng da này có ít sắc tố (melanin) để bảo vệ da hơn so với các vùng da khác", bác sĩ chia sẻ.

Hình dạng của môi cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ cháy nắng. Theo bác sĩ, môi dưới thường chịu nhiều tác động do tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Do đó, cần bảo vệ đôi môi khỏi ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong các hoạt động ngoài trời dưới nắng gắt.

Son dưỡng môi có gây nghiện không?

"Việc sử dụng son dưỡng thường xuyên có thể trở thành thói quen, nhưng chúng sẽ không gây nghiện”, bác sĩ Gürtler khẳng định.

Thiếu nước có thể làm gia tăng nếp nhăn trên gương mặt. Ảnh minh họa: Pinterest.

Tuy nhiên, bà lưu ý về việc hạn chế sử dụng các loại son dưỡng có mùi hương vì chúng có thể khiến người dùng thường xuyên liếm môi trong vô thức.

“Nước bọt có chứa các enzym phân hủy thức ăn. Khi tiếp trực tiếp với môi, chúng có thể tấn công bề mặt. Đồng thời, liếm môi thường xuyên cũng tạo ra cảm giác muốn được thoa son nhiều hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn, dẫn đến cảm giác bị phụ thuộc”, bác sĩ nói thêm.

Bôi kem chống nắng có gây thiếu hụt vitamin D không?

Dù đề cập đến việc kem chống nắng có thể làm suy giảm khả năng sản sinh vitamin D của da, bác sĩ Gürtler cho biết điều này không thật sự là vấn đề. Lý do thực sự dẫn đến triệu chứng thiếu hụt vitamin D ở người trưởng thành là họ dành phần lớn thời gian trong nhà.

Kem chống nắng là sản phẩm được khuyến nghị của giới da liễu. Do đó, nếu một người bị thiếu hụt vitamin D, hãy dùng thuốc bổ sung và kiên trì bảo vệ da bằng SPF.

Chocolate có phải tác nhân gây mụn không?

Bác sĩ Gürtler cho biết dựa trên một số nghiên cứu lâm sàng, chocolate có thể góp phần hình thành mụn trứng cá. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng dữ liệu này còn gây tranh cãi và cần thêm các nghiên cứu can thiệp quy mô lớn hơn.

"Tương tự các loại thực phẩm khác, nếu cảm thấy chocolate khiến làn da xấu đi, hãy hạn chế ăn. Còn nếu không bị ảnh hưởng gì, bạn có thể thưởng thức món này một cách vừa phải", bác sĩ nói.

Botox có khiến gương mặt trông "lố" không?

Điều này còn phụ thuộc vào tay nghề và trình độ của bác sĩ thẩm mỹ. Một gương mặt trông "lố" do lượng lớn chất làm đầy axit hyaluronic gây ra.

Mục tiêu của việc điều trị botulinum toxin (botox) là làm mờ các nếp nhăn và vết chân chim bằng cách làm giãn các cơ một cách đặc hiệu và tạm thời. Nhìn chung, đây là một phương pháp điều trị an toàn, và kết quả thường trông sẽ tự nhiên.

Kem đánh răng có dành để trị mụn không?

Câu trả lời là không. Theo bác sĩ, chất kẽm trong một số loại kem có khả năng chống viêm. Tuy nhiên, các thành phần khác, như flo hoặc menthol, là tác nhân gây kích ứng cho các vùng da bị viêm và làm tình trạng trở nên tệ hơn.

Uống nhiều nước có chống được nếp nhăn không?

Bác sĩ Gürtler cho biết việc thiếu nước cực độ trong cơ thể có thể làm gia tăng sự xuất hiện nếp nhăn trên da. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây không cho thấy được rằng càng uống nhiều nước, càng chống được nếp nhăn. Song, bà khuyên mỗi người nên uống 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe nói chung và làn da nói riêng.

Tác giả: Kim Ngân

Nguồn tin: lifestyle.znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP