Giáo dục

Sau 5 ngày, thí sinh không nộp giấy báo điểm sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển

Từ 1/8 các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm mới năm nay là, các trường chỉ chắc chắn thí sinh vào trường khi thí sinh đến nộp giấy báo điểm.

Nhận hồ sơ xét tuyển 15 điểm dễ khiến thí sinh "ảo tưởng"

Trong kỳ tuyển sinh năm 2016, một số trường được đánh giá cao và có điểm chuẩn hằng năm khá cao nhưng năm nay lại bất ngờ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm.

Cụ thể, tất cả các trường và khoa thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học Kinh tế - luật, và Khoa y đều công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm.

Một số trường có điểm chuẩn hàng năm khá cao như Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (trừ một số ngành), Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cũng đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm hoặc hơn một chút đối với một số ngành.

Ngay cả một số trường đại học tốp đầu của Hà Nội cũng sử dụng “chiêu” này như: Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Trường Đại học Thủy Lợi…đều lấy điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15.

2 1
Năm nay, các trường gặp khó khăn vì không phán đoán được lượng hồ sơ “ảo” (Ảnh: Thùy Linh)

Là một trong những trường thuộc tốp đầu về khối kỹ thuật, trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng đào tạo Đại học Giao thông vận tải lý giải: "Nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm, chúng tôi không vi phạm quy định của Bộ".

Còn Trưởng phòng Đào tạo – Đại học Thủy Lợi, ông Trần Khắc Thạc khẳng định:

“Thí sinh bây giờ có rất nhiều nguồn thông tin nên việc các trường có công bố điểm như vậy nhưng các em đều dựa trên các phổ điểm của các năm trước để các em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, không có em nào dại gì điểm thấp mà đi nộp vào các trường tốp trên. Đây là điều chắc chắn”.

Nhìn nhận thực tế này, PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định:

“Trường nào cũng mong thí sinh tốt nhất vào trường nhưng phải có phân tầng và phân lớp. Chúng tôi đưa ra điểm sàn cao. Những ngành ít thu hút hơn đưa ra điểm sàn thấp hơn nhưng vẫn cao hơn các trường khác. Các trường phải có đối tượng, tránh cho học sinh ảo tưởng”.

Thí sinh không được rút ra - nộp vào, trường lo "ảo"

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong thời gian xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được nộp 2 nguyện vọng vào 2 trường khác nhau và không được rút ra - nộp vào như năm trước.

Điểm mới này tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng theo lãnh đạo nhiều trường Đại học, Cao đẳng, điểm mới này đã khiến các trường rơi vào thế lo lắng hồ sơ ảo.

Bởi lẽ, một thí sinh nộp hồ sơ vào cùng lúc 2 trường. Với mức điểm của mình các em rất có thể sẽ đỗ cả 2 trường nhưng không thể rút hồ sơ ra. Các trường chỉ chắc chắn thí sinh vào trường khi thí sinh đến nộp giấy báo điểm.

Trao đổi với phóng viên, TS.Trương Đại Lượng – Phó trưởng phòng đào tạo Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết:

"Năm nay, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường không cập nhật danh sách, thứ hạng thí sinh nộp hồ sơ nên tránh được tình trạng xáo trộn như kỳ tuyển sinh năm ngoái.

Tuy nhiên, do mỗi thí sinh được nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng, điều này thuận tiện cho thí sinh nhưng các trường gặp khó khăn vì không phán đoán được lượng hồ sơ “ảo”".

Cùng nỗi lo lắng này, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Điều lo lắng nhất của lãnh đạo trường là tỷ lệ thí sinh “ảo” vì thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học.

Năm nay chắc chắn tỷ lệ hồ sơ “ảo” rất cao, có thể lên tới 50% nên khó xác định bởi các trường xét tuyển theo nhiều hình thức".

Trước lo lắng thí sinh "ảo" có thể khiến các trường không tuyển đủ chỉ tiêu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Bộ đã đưa ra hướng cho các trường lọc ảo bằng việc bắt buộc phải nộp giấy báo điểm (duy nhất) về trường sau khi biết điểm chuẩn và trúng tuyển.

Nếu sau thời gian quy định (5 ngày) khi biết kết quả thí sinh không nộp thì coi như em đó bị hủy kết quả trúng tuyển. Điều này sẽ giúp các trường nắm được sĩ số trước khi thí sinh nhập học để có kế hoạch tuyển sinh tiếp”.

Theo dự kiến, từ sáng 14/8, các trường sẽ thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển.

Sau đó, thí sinh phải nộp phiếu báo kết quả thi của mình để xác nhận việc vào học tại trường. Nếu không nộp, thí sinh coi như không nhập học.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP