Giáo dục

Sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần chất lượng hơn số lượng

Theo kế hoạch, năm học 2020-2021 sẽ chính thức triển khai Chương trình GDPT mới ở khối lớp 1. Tuy nhiên, đến nay vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn ở các tầng lớp nhân dân.

Thận trọng với nhiều bộ SGK.

Theo kế hoạch, năm học 2020-2021 sẽ chính thức triển khai chương trình GDPT mới ở khối lớp 1. Tuy nhiên, đến nay vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

2 luồng ý kiến về xã hội hóa biên soạn SGK

Trong chương trình phiên họp thứ 31 vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi sau khi xin ý kiến nhân dân.

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về chương trình GDPT và SGK, có 2 nhóm ý kiến. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với Điều 30 của dự thảo Luật, theo hướng luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW và pháp điển hóa, kế thừa những nội dung phù hợp của Nghị quyết số 88/2014/QH13. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chương trình GDPT nên thống nhất trong cả nước, không đồng ý mỗi môn học có một số SGK, không đồng ý xã hội hóa biên soạn SGK. “Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của nhân dân như nhóm ý kiến thứ nhất”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu, tiếp thu thêm một số ý kiến của nhân dân và cụ thể hóa thành các quy định trong Dự thảo Luật về SGK điện tử, vấn đề xã hội hóa biên soạn SGK để thuận lợi cho người học trong việc sử dụng SGK, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc chung, SGK nên là 1 bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định SGK đề xuất, Bộ GDĐT quy định, dùng được cho nhiều năm và hàng năm có bổ sung nhưng không bổ sung quá 10%, nếu được thì vài ba năm sửa 1 lần. Còn sách tham khảo cũng chỉ nên có quy định một lượng nào đó…

Cần lấy thêm ý kiến nhân dân

Góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), tính đến ngày 22/1/2019, Bộ GDĐT đã nhận được Báo cáo của 53/63 Sở GDĐT với 812.591 ý kiến; 195 Phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội- xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 130 bài báo…

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đối tượng lấy ý kiến về chương trình, SGK chưa được bao quát, và việc lựa chọn đối tượng lấy ý kiến có thể ảnh hưởng đến kết quả. Vì đối tượng sử dụng SGK là học sinh, đối tượng mua và lựa chọn SGK là phụ huynh học sinh, nên cần lấy ý kiến với những đối tượng này. Hiện đã có nhiều hội thảo, tọa đàm được tổ chức để lấy ý kiến về chương trình SGK nhưng các ý kiến chủ yếu của các giáo sư giảng dạy ĐH, trong khi đó cấp ĐH lại không sử dụng, SGK mà dùng giáo trình. Vì vậy, cần lấy ý kiến thêm nhiều tầng lớp nhân dân để đảm bảo đa dạng, phong phú.

Một băn khoăn khác được bà Nguyễn Thanh Hải nêu đó là tỷ lệ ý kiến nhất trí trong Báo cáo do Bộ trưởng Bộ GDĐT trình bày lên tới 95.9% trong khi theo Báo cáo điều tra dư luận của Viện Dư luận thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương thì chỉ đạt 52%. Vì sao lại có sự chênh lệch như vậy?

Thận trọng với nhiều bộ SGK

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, một chương trình - nhiều bộ SGK đã trở thành thông lệ quốc tế, nhằm tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là chủ trương đúng đắn nhưng khi đi vào thực tế triển khai ở nước ta sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, khi đã có nhiều bộ SGK đáp ứng yêu cầu của Hội đồng thẩm định rồi, thì triển khai thế nào? Ai sẽ là người quyết định lựa chọn sử dụng bộ SGK? Hiện Nghị quyết số 88 quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT”. Với nhiều chủ thể tham gia quyết định lựa chọn SGK, vậy dựa vào đâu để quyết định? Nếu trong một lớp có nhiều các ý kiến khác nhau thì sẽ giải quyết như thế nào? Trong một trường, nếu sử dụng nhiều SGK, việc tổ chức giảng dạy, quản lý chuyên môn sẽ như thế nào? Sau đó là khi thi cử cũng rất khó khăn.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chương trình, SGK thì nên thống nhất, nếu cần thì có thể đưa thêm một phần đặc thù địa phương, nhưng theo tỷ lệ nhất định. Nếu SGK mà ai cũng viết, tùy từng địa phương thì không đảm bảo thống nhất chung.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Nhất thiết phải thống nhất một loại SGK, các loại sách khác chỉ mang tính tham khảo”.

Tác giả: Thu Hương

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP