Bạn cần biết

Rau dớn có tác dụng gì?

Rau dớn được biết đến là loại rau đặc sản ở miền núi, vậy rau dớn có tác dụng gì?

Rau dớn là một loại rau phổ biến ở vùng rừng núi, bên cạnh người ta còn ấn tượng bởi những tác dụng dược lý mà nó mang lại. Vậy, rau dớn có tác dụng gì? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Rau dớn là gì?

Rau dớn là loại dương xỉ có thân rễ nghiêng, mọc bò, sống dai, cao khoảng 15cm. Thân cây được bao phủ bởi vẩy ngắn hình mũi mác và có hình răng cưa ở bên mép, màu hung, kích thước khoảng 1mm

Cuống lá dài 25-30cm, có lông bao phủ suốt chiều dài, phiến dài 35-45cm, rộng 20-15cm. Phiến lá kép lông chim 1 lần (lá non) hay 2 lần (lá già) hình mũi mác rộng, nhọn mũi. Lá mọc so le gồm nhiều lá chét khoảng 12-16 cặp mọc cách lên dần, các lá chét trên không có cuống, các lá chét dưới có cuống.

Ô túi bào từ hình tròn, phân bố đều trên gân con ở mặt sau của lá, bào tử hình bầu dục, có màu vàng, mào hẹp.

Nhìn chung tổng thể rau dớn bên ngoài gần giống với cây dương xỉ, nhưng kích thước có phần nhỏ hơn. Rau dớn với cành dài và lá nhỏ xòe ra xung quanh như tán ô, đầu cong như móc câu còn những lá non vươn thẳng lên, thân hình bụ bẫm, phần trên uốn lại như vòi voi.

Tại Việt Nam, rau dớn là thức ăn quen thuộc của một số dân tộc ở Việt Nam, chẳng hạn như rau dớn là loại rau chính trong mùa xuân của người Cơ Tu. Đối với nhiều tộc người, rau dớn là “vua” các loại rau, bởi không chỉ ngon mà chúng còn có giá trị sử dụng trong y học.

Rau dớn có tác dụng gì là băn khoăn của rất nhiều người

Rau dớn có tác dụng gì?

Trong y học, rau dớn là một loại thảo mọc có công dụng chữa bệnh. Theo Đông y, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón và làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng. Một số tác dụng của rau dớn đối với sức khỏe có thể kể đến như:

- Giảm đau, đẩy lùi các cơn đau âm ỉ do bệnh lý viêm đại tràng

- Giúp dễ ngủ, cơ thể thoải mái, khỏe mạnh.

- Cải thiện tình trạng lưu thông máu, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng

- Chất nhầy trong rau dớn có tác dụng nhuận trường chống táo bón và làm dịu đau lưng.

- Rau dớn có tác dụng hạ sốt, điều trị bệnh hen suyễn, đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy.

- Giảm ho, viêm họng hoặc các bệnh cảm thông thường.

- Cành, lá rau dớn có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt, lợi tiểu...

Trước đây người dân sử dụng rau dớn cùng các loại rau và củ quả khác để giúp chống chọi với nạn đói. Ở Malayxia, người dân còn sử dụng rau dớn sắc nước cho phụ nữ sinh đẻ uống.

Một số bài thuốc từ cây rau dớn

- Về mặt ẩm thực lá non thường được dùng để luộc, xào, nấu canh hoặc ăn sống để chữa bệnh

- Về mặt Y học, rau dớn được chế biến làm thuốc như sau:

Lấy 50g lá rau dớn non giã nhỏ, đắp lên vết thương có tác dụng cầm máu, kháng khuẩn và hàn vết thương
Lấy thân rễ cắt bỏ hết rễ con, rửa sạch, cắt nhỏ, sắc với 200ml nước, đến khi còn lại 50ml nước rau dớn. Dùng nước này chia làm 2 lần uống trong ngày, kéo dài 1 tuần điều trị để chữa bệnh sốt rét
Lấy lá non rau dớn giã nhuyễn để chữa ghẻ, nhọt, nhiễm trùng da cho trẻ sơ sinh
Bên cạnh, người ta còn lấy rau dớn đem phơi khô để nấu nước uống giải nhiệt, giải độc vào mùa nắng nóng.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau dớn

Rau dớn là loại rau hoang dại, được xem là khá lành tính và an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, khi ăn rau nhớ bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

- Lá rau dớn non có thể chứa lượng nhỏ các độc tố dương xỉ. Mặc dù hiện tại người ta vẫn chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc khi ăn rau dớn.

- Rau dớn có thể giúp tăng khả năng lưu thông máu, có tính mát, do đó phụ nữ đang có thai không nên ăn để không làm ảnh hưởng đến thai kỳ.

- Rau dớn mọc tự nhiên nên thường sẽ không có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Tuy nhiên bạn vẫn cần rửa thật kỹ rau dớn trước khi ăn để tránh ký sinh trùng còn bám trên lá rau.

Như vậy, rau dớn là loại rau dại mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc, được sử dụng trong y học và ẩm thực với tính chất giải nhiệt, lợi tiểu là chủ yếu. Bạn có thể thêm rau dớn trong các món ăn hàng ngày, nếu dùng làm dược liệu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Trên đây là những thông tin giải đáp về câu hỏi "Rau dớn có tác dụng gì?". Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn.

Tác giả: VÂN ANH

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP