Trong nước

Quốc hội chính thức thông qua luật về lực lượng an ninh cơ sở

Chiều 28-11, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.

Các đại biểu tham gia kỳ họp - Ảnh: GIA HÂN

Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia

Theo luật được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Lực lượng được bố trí ở thôn, tổ dân phố; do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Luật mới quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành lực lượng này.

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học trở lên… được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng.

Trường hợp trên 70 tuổi bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.

Lực lượng này được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật cũng quy định người tham gia được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định...

Trường hợp bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Việc chi trả cho lực lượng này do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Trong đó, nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm; nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quyết định của HĐND các cấp.

Kết quả thông qua luật - Ảnh: GIA HÂN

Không quy định "cứng" mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng này.

Theo báo cáo của Chính phủ, toàn quốc hiện có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Mức chi bảo đảm hoạt động cho các lực lượng này là khoảng 3.570 tỉ đồng/năm (trung bình 1 tỉnh, thành phố chi trả khoảng 56,7 tỉ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,7 tỉ đồng/tháng).

Để triển khai lực lượng, nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự thì dự kiến cần ít nhất 254.163 người tham gia (tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố, mỗi tổ cần ít nhất 3 người).

Dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động của các tổ này là 3.505 tỉ đồng/năm (trung bình 1 tỉnh, thành phố cần khoảng 55,6 tỉ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỉ đồng/ tháng).

Với việc hình thành tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí nêu trên sẽ không tăng số lượng người tham gia hoạt động và không tăng tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.

Về ý kiến cho rằng cần quy định "cứng" trong luật khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng và hoặc quy định khung mức tối thiểu chi hỗ trợ với lực lượng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng "sẽ không phù hợp với thực tế", nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế.

Quy định "cứng" mức hỗ trợ cũng tạo áp lực về bảo đảm kinh phí với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế với người tham gia để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương, bảo đảm tính khả thi của luật.

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP