Để đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, rất cần sự tham gia của cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước.
Nhiều giải pháp
Theo các chuyên gia, nguồn nước ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, các nước thượng nguồn đã xây dựng nhiều hồ chứa theo bậc thang thủy điện để tích nước, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, nguồn nước về đến ĐBSCL giảm dần và phụ thuộc vào điều tiết của các quốc gia phía thượng nguồn. Mặt khác, lượng phù sa cũng giảm, tác động đến sản xuất nông nghiệp cũng như sự đa dạng sinh học của lưu vực sông, đặc biệt phía hạ nguồn. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do phát triển công nghiệp, sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, kiểm soát các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu cũng là thách thức trong quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến, bên cạnh sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo theo như cầu về nước tăng lên…
Mỗi người có ý thức sử dụng nước hợp lý trong sinh hoạt và sản xuất sẽ góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Ảnh: T. TRINH |
Trước thực trạng trên, để quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, các địa phương khu vực ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp. Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết: Thời gian qua, An Giang đã triển khai hầu hết các giải pháp đồng bộ có hiệu quả nhất định và nỗ lực trong việc kiện toàn, thể chế chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh giáp ranh trong khu vực để khai thác và chia sẻ hợp lý nguồn nước, đặc biệt trong vùng Tứ Giác Long Xuyên. 3 năm qua, An Giang đã hợp tác với Kiên Giang và đang mở rộng với Cần Thơ và Hậu Giang. Tỉnh tổ chức các mô hình cho cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên nước bằng nhiều hình thức như: mô hình cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng… để người dân ý thức được tài nguyên nước là tài sản chung của cộng đồng…
Tại TP Cần Thơ, công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước được quan tâm sát sao. Theo ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, việc cấp phép khai thác nước ngầm được thành phố quản lý chặt. Đặc biệt, UBND thành phố chỉ đạo: nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước nhằm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Để quản lý, khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, thời gian qua, TP Cần Thơ đã xây dựng xong quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát lòng sông Hậu. Việc khai thác khoáng sản được quy định và kiểm tra chặt chẽ, phải đảm bảo cách xa bờ tối thiểu khoảng 200m tránh sạt lở.
Ngoài ra, để huy động sự tham gia của cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước, các địa phương tranh thủ tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ triển khai nhiều dự án, bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Thông qua các hội thảo, tập huấn từ dự án “Tăng cường sự tham gia các bên liên quan trong quản lý tài nguyên nước khu vực ĐBSCL” do Vương quốc Bỉ tài trợ tại huyện Long Phú và Cù Lao Dung đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân quản lý nguồn nước hiệu quả. Theo đó, hơn 395 hộ đăng ký giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý nước cho sinh hoạt canh tác. Hơn 195 phụ nữ đăng ký sử dụng nước tiết kiệm, an toàn trong nuôi tôm sú, tưới tiêu vườn cây…
Thay đổi từ nhận thức
Tài nguyên nước không phải vô hạn mà có giới hạn, do vậy, quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả là rất cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ĐBSCL. Mới đây, tại hội thảo “Thúc đẩy các sáng kiến quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL” do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL. Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cần nhìn nhận lại ô nhiễm nguồn nước không chỉ do hoạt động công nghiệp mà có 2 nguồn không được quan tâm nhiều, đó là: ô nhiễm từ nông nghiệp và từ sinh hoạt. Tất cả các nguồn ô nhiễm đều đi xuống nguồn nước. Do vậy, cần bắt đầu tính toán cấp phép xả thải vào nguồn nước theo tải lượng ô nhiễm của nguồn nước thay vì được tính theo nồng độ ô nhiễm như hiện nay.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Thành công đầu tiên trong bảo vệ tài nguyên nước phải đến từ con người. Bởi khi con người hiểu sâu sắc về vấn đề sẽ dẫn đến hành vi đúng đắn. Từ đó, có thể bàn bạc, xây dựng những mô hình thành công trong quản lý tài nguyên nước. Do vậy, các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia tăng cường tuyên truyền, tác động vào ý thức mỗi người giữ gìn, bảo vệ tài nguyên nước.
Để quản lý tài nguyên nước của khu vực một cách hiệu quả, đồng bộ, ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, đề xuất: ĐBSCL cần có 1 tổ chức đầu mối nhằm liên kết, điều phối các địa phương trong khu vực phối hợp quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất.
Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương bên cạnh vai trò cầu nối để huy động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước, còn là lực lượng giám sát, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm ngay từ khi mới xuất hiện. Bà Nguyễn Thanh Phương, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho rằng: Các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương cần tăng cường sự tham gia trong giám sát trực tiếp nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức người dân về quản lý tài nguyên nước; huy động nguồn lực từ các đối tác, tổ chức phi chính phủ để triển khai các sáng kiến bảo vệ môi trường nước ĐBSCL…
Tác giả: T. TRINH
Nguồn tin: Báo Cần Thơ