Du lịch

'Phượt' mùa nước đổ ruộng bậc thang...

“Phượt không?” Ông anh họ hỏi tôi khi tình cờ anh em gặp nhau ở cạnh chùa Trấn Quốc chờ hoàng hôn để chụp ảnh. “Đi đâu thế?” tôi hỏi. “Đi Lào Cai, mùa nước đổ trên các ruộng bậc thang”, ông anh trả lời. “Ok, báo em lịch để chuẩn bị", tôi đồng ý.

Phượt, như Lê Hồng Quang (anh bạn nhà báo) giải thích: “Giờ người ta không gọi là Phượt nữa vì nó là tiếng lóng xưa của thanh niên chuyên Phóng nhanh, Vượt ẩu. Bây giờ người ta gọi là Phịch. Đại loại: Đi Phịch không?” Hồng Quang cười rồi giải thích: “Phịch là Phóng an toàn, Lịch sự Vượt!” Dù sao thì Phượt hay Phịch tôi cũng cứ tham gia,

Diện thủy Á Dương tại điền chiếu

Vân du Thiên Nhật thượng sơn soi

(Ảnh: NA – Dũng Nguyễn)

Cả đoàn lần này là học trò của nhiếp ảnh gia Nguyễn Khắc Hường, gần như là một chuyến đi thực địa, chụp ảnh phong cảnh. Gọi là đi phượt, nhưng không giống các chuyến đi của tôi, cuốc bộ trong các cánh rừng hay mò mẫm trong những hang động tối đen xa tít mù tắp. Đoàn này đi săn mây, đi săn cảnh trên những cánh đồng ruộng bậc thang mùa nước đổ trên cao nguyên hùng vĩ dãy Hoàng Liên Sơn.

Ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang, một sản phẩm rất độc đáo của các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philipine, Nhật, Triều, Peru hay Ấn độ từ rất lâu đời, hàng ngàn năm, Ở Đông nam Á, trong đó có Việt Nam, muộn hơn, mới vài trăm năm, với các dân tộc như H’’Mông, Hà nhì, Dao và M’nông cư ngụ trải dài trên các dãy núi Hoàng Liên Sơn từ Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì - Hà Giang, đến Sa Pa - Lào Cai. Hệ thống ruộng bậc thang ngoài địa hình cao, dốc, độc đáo là hệ thống thủy lợi rất tinh vi từ sự đơn sơ của tự nhiên. Một số nước khác, họ phải xây dựng kênh, mương, máng (bằng đá, rãnh, hay thân cây tre nứa…) để dẫn nước từ rất xa trên đỉnh núi. Ở Việt Nam, nước được hình thành từ tự nhiên, từ nước mưa và đùn lên từ chân các thửa ruộng, hay được tích trữ trên cao dẫn xuống. Con người đã điều chỉnh mùa vụ để thích nghi với thiên nhiên từ khi mùa mưa có nước khoảng tháng Năm tháng Sáu, đến khi gieo trồng, chăm sóc, và gặt hái đảm bảo khoảng tháng Tám, tháng Chín, một chu kỳ thích ứng diệu kỳ với tự nhiên. Người Mường, Tày, Thái làm ruộng thấp dưới thung lũng. Người Khơ Mú, Mảng, Gia Rai… làm nương rẫy Còn ở đây, người M’’Nông, H’’Mông, Dao và Hà nhì làm ruộng bậc thang trồng lúa nước.

Cấy trong mưa

Việc hình thành ruộng bậc thang ngoài vấn đề lương thực, nó hình thành một nền văn minh lúa nước vùng cao. Định canh định cư các dân tộc nơi đây. Ban đầu, các rừng núi được khai thác làm nương rẫy, lúa nương, ngô khoai hay sắn, nhưng đất màu mỡ bạc dần theo thời gian, họ phải di cư nơi mới và thành du canh du cư. Với việc xây dựng được hệ thống ruộng bậc thang làm lúa nước, họ bám chặt vào đất, định canh, định cư cả ngàn đời. Ruộng bậc thang là tài sản kế thừa, thừa kế cho dòng tộc, phân biệt thứ cấp bởi số lượng ruộng. Để hình thành được các ruộng bậc thang, họ phải trải qua hàng trăm năm lao động, định hình. Không phải rừng núi nào cũng làm được. Khí hậu, thiên nhiên mưa nhiều nơi đây đảm bảo cho thuận hòa mùa vụ của lúa nước Nhiều nơi khác đồi núi đá vôi (Kast) làm cho địa hình “bị thủng” đáy, không giữ nước được để làm ruộng.

Giữa hai lần cấy

Ở Lào Cai, nhiều hệ thống ruộng được làm lên đến 121 bậc. Các thửa ruộng uốn lượn mềm mại như những giải khăn lụa quấn trên các sườn núi. Tùy thời điểm trong năm, các dải lụa có màu sắc khác nhau với vẻ đẹp huyền bí. Mùa gặt, vàng rực dưới nắng những ruộng lúa uốn quanh tầng tầng lớp lớp. Khi lúa mới lớn, màu xanh mát bao phủ các ngọn núi hòa với những cánh rừng sát bên. Mùa nước đổ, những thửa ruộng lấp lánh hợp với nhau làm nguyên ngọn núi thành tấm gương dưới nắng ban mai hay hồng rực ánh hoàng hôn phản chiếu bóng mây bay.

Xưa kia, với nền kinh tế tự cung tự cấp, giao thông khó khăn, ruộng bậc thang đảm bảo sự tồn tại và trù phú và văn hóa cho các dân tộc nơi đây, dù rằng với tổng diện tích hiện có cũng chưa thể đủ cung cấp lương thực cho các gia đình quanh năm được, nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tránh du canh du cư. Nay, giao thông thuận tiện, hàng hóa giao thương, ruộng bậc thang ngoài cung cấp lương thực, còn góp phần vào công nghiệp du lịch văn hóa, cũng là một nguồn thu đáng kể từ trực tiếp và gián tiếp.

Một góc A lù – Y tý

Người ta đến Sa Pa hay các vùng miền núi Yên Bái, Lào Cai hay Hà Giang, với những cung đường, núi rừng hùng vĩ, đỉnh núi Fanxipan, mùa tuyết rơi hay du lịch nghỉ dưỡng, và nay còn thêm ngày càng nhiều khách đến đây vì ruộng bậc thang, mùa gặt, mùa nước đổ. Không chỉ lang thang trong những cánh rừng, leo trèo trên các ngọn núi. Với máy ảnh, được ngắm nhìn, được ghi lại những khoảng khắc thơ mộng, hùng vĩ, những đám mây sớm, chiều, những tia nắng ban mai hay hoàng hôn, những cảnh sinh hoạt của đồng bào, những thôn xóm nhà trình tường, đã mời gọi không chỉ các bạn trẻ, mà cả nhiều nghệ sĩ già, dù rằng họ cũng đã lên vùng này không biết bao lần.

Nhà Trình tường với mái mới thay cho mái lá xưa.

Du lịch, khách thập phương tự do hay trong các dự án du lịch, có thể trước mắt thêm một kênh thu nhập, phát triển kinh tế cho khu vực, nhưng, liệu có bền vững? Du lịch có thể đưa đồng bào ra khỏi chân ruộng bậc thang, làm các thửa ruộng bỏ hoang và cảnh quan sẽ mất sự độc đáo. Những mái nhà trình tường phủ tranh cỏ mọc hoa nên thơ đã bị thay thế bằng mái tôn. Liệu có ai biết đồng bào sẽ lại bị du canh du cư theo hình thức hiện đại? Hãy để ruộng bậc thang luôn có mùa nước đổ.

Cấy lúa.

“Nhớ mang nhiều ống kính nhé, thêm các kính lọc nữa, vì chụp cả phong cảnh và cảnh sinh hoạt. Ánh sáng mạnh sẽ cần phải lọc…” Ông anh dặn tôi trước khi chia tay để về chuẩn bị cho chuyến đi.

Một góc núi.

Tác giả: Đặng Vân Phúc

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP