Đặc biệt năm 2018, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) được triển khai hiệu quả. Qua những hoạt động, giải pháp tích cực của các cấp Hội, có thể khẳng định, phong trào sáng tạo và khởi nghiệp của phụ nữ thành phố đang diễn ra sôi động, mạnh mẽ…
Giao lưu với các gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu. |
Đồng hành khởi nghiệp…
Trở về từ Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2018, chị Nguyễn Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (CHPN) ấp Trường Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chanh không hạt xã Trường Long, huyện Phong Điền, được hỗ trợ 50 triệu đồng cho đề án khởi nghiệp xuất sắc. Chị Huệ bộc bạch: "Lần đầu ra thủ đô và trình bày đề án trước lãnh đạo các ngành, các cấp, các nhà đầu tư nên tôi khá lo lắng. Nhờ cán bộ Hội động viên giúp tôi tự tin hơn. Tôi trình bày chuyện khởi nghiệp và quá trình vận động chị em tham gia tổ hợp tác, rồi chuyển đổi thành HTX…".
Hơn 10 năm trước, việc canh tác ruộng lúa của gia đình và bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, là Chi hội trưởng CHPN ấp, chị Huệ được tham quan học tập nhiều nơi và mạnh dạn chuyển đổi trồng chanh không hạt, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, chị vận động hội viên phụ nữ vào tổ hợp tác, gồm 10 thành viên, với tổng diện tích 3,4ha và năm 2015, chuyển đổi thành HTX Chanh không hạt. Hiện HTX có 25 thành viên, với tổng diện tích 15ha, tổng số vốn điều lệ 300 triệu đồng, giải quyết việc làm hơn 100 lao động địa phương…
Tích cực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, các năm qua, Hội LHPN phường Lê Bình, quận Cái Răng nỗ lực vận động, duy trì các mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo. Trong đó, có việc thành lập mô hình Tổ liên kết may gia công, gồm 20 thành viên. Qua đó, góp phần đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, thu hút chị em tham gia hoạt động Hội; giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. Chị Ông Cẩm Tú biết nghề may từ lâu; nhờ tham gia tổ, được vay vốn, có điều kiện mở rộng cơ sở may gia công túi xách, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, còn tạo việc làm cho 4 chị, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Hay chị Mã Cẩm Hen cũng "ăn nên làm ra" khi được Hội LHPN giới thiệu vay vốn đầu tư mua máy móc, nguyên liệu phát triển nghề may...
Chị Lê Thị Cẩm Châu, Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Bình, chia sẻ: "Với đặc thù địa bàn trung tâm, không còn sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu người dân chuyển đổi sang nghề tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Trước nhu cầu đó, Hội LHPN phường khảo sát thành lập mô hình Tổ liên kết may gia công, vừa phát huy hiệu quả giải quyết việc làm sau học nghề, giúp chị em chuyển đổi nghề phù hợp, tăng thu nhập, vừa có thời gian chăm lo gia đình". Mô hình này vừa được Hội LHPN thành phố biểu dương trong phong trào thi đua yêu nước.
Thực hiện hiệu quả Đề án 939, các cấp Hội LHPN trong thành phố tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, hỗ trợ chị em nâng cao kiến thức, tự tin, năng động hơn nữa trong quá trình khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Theo báo cáo của Hội LHPN thành phố, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai sâu rộng các nội dung Đề án 939, các cấp Hội LHPN trong thành phố phối hợp dạy nghề trên 2.000 phụ nữ, giới thiệu việc làm trên 16.000 lao động nữ, hỗ trợ 124 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp và vận động thành lập mới trên 30 tổ hợp tác, liên kết sản xuất, 3 HTX do phụ nữ quản lý… Qua đó, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng
Đó là một trong những hoạt động thiết thực cụ thể hóa Đề án 939 của các cấp Hội LHPN thành phố năm 2018. Nổi bật là ra mắt 9 mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ khởi sự kinh doanh" điểm tại các phường, xã thuộc 9 quận, huyện. Qua đó, chị em được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm phát triển ngành nghề, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả…
Hội LHPN quận Ninh Kiều chọn phường Thới Bình xây dựng CLB điểm. Bước đầu, CLB tập hợp 12 thành viên là cán bộ, hội viên, phụ nữ đang có ý tưởng kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Bình, cho biết: "Tham gia CLB, chị em được cung cấp thông tin, kiến thức về cách lập kế hoạch, tổ chức kinh doanh, tự tin khởi nghiệp. Dịp ra mắt CLB, Hội LHPN phường phối hợp tổ chức phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, trong đó, ưu tiên giới thiệu nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh, sản phẩm gia dụng của hội viên phụ nữ trong phường để chị em tham quan, mua sắm, trao đổi kinh nghiệm…".
Điểm nhấn trong thực hiện Đề án 939 năm 2018 là Hội LHPN thành phố tổ chức thành công Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp. Chị em không chỉ có điều kiện trưng bày, quảng bá, mua sắm các sản phẩm tự làm ra mà còn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những gương phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công. Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Diệp Thị Thu Hồng, Ngày hội góp phần khơi dậy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và tiếp tục phát huy nội lực phụ nữ trong phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Đặc biệt hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, đẩy mạnh sự phát triển các tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ kinh doanh cá thể… Tùy đặc điểm tình hình, thế mạnh địa phương, đối tượng và nhu cầu hội viên, các cấp Hội LHPN nghiên cứu, lựa chọn những hoạt động, mô hình hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như khảo sát, hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, giải quyết việc làm, tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều mô hình, tổ, nhóm phát huy hiệu quả; nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ có cơ hội mở rộng, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Chị Liêu Thị Thanh Tuyền, Chi hội trưởng CHPN ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, là 1 trong 51 cá nhân, tập thể được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo và các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác Hội, do Hội LHPN thành phố tổ chức. Chị Tuyền chia sẻ quá trình khởi nghiệp: "Nhờ tham gia Hội Phụ nữ, tôi được học nghề, có điều kiện mở tiệm uốn tóc và trang điểm cô dâu tại nhà. Tuy thu nhập lúc đầu không cao nhưng tôi có việc làm ổn định, có thu nhập trang trải cuộc sống và chăm lo con học hành". Từ khi là Chi hội trưởng, chị Tuyền có điều kiện mở mang kiến thức, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với chị em và hình thành ý tưởng kinh doanh. Chị Tuyền bộc bạch: "Nhận thấy phụ nữ luôn có nhu cầu làm đẹp trong lễ hội, dự tiệc, nên tôi bày tỏ ý tưởng cùng các chị Hội Phụ nữ thị trấn Thới Lai và được giới thiệu vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư phát triển tiệm uốn tóc, trang điểm cô dâu và cho thuê đồ cưới, đặc biệt là đồ cưới người dân tộc. Được nhiều người quan tâm, ủng hộ, việc kinh doanh của tôi ngày càng khởi sắc. Với thu nhập bình quân mỗi tháng 6 triệu đồng, cùng tiền lương công nhân của chồng, hiện kinh tế gia đình tôi rất ổn định. Cuối năm 2017, vợ chồng tôi xây nhà khang trang, gia đình ngày càng đầm ấm, hạnh phúc".
Tác giả: QUỲNH LAM
Nguồn tin: Báo Cần Thơ