Hai nước cũng ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ chiến lược thương mại và hạ tầng đầy tham vọng của Bắc Kinh mang tên "Sáng kiến Vành đai và Con đường", đồng thời nhất trí tăng cường quan hệ song phương.
29 thỏa thuận được ký kết ngày 20-11 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Philippines. Ảnh: Reuters |
Sau khi hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 20-11, ông Tập nói rằng chuyến thăm này là "cột mốc" trong quan hệ giữa hai nước. Ông Tập là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc thăm Manila trong 13 năm qua.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo được xem như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xích gần hơn với Philippines bằng cách tăng cường đầu tư và viện trợ tới đất nước đồng minh của Mỹ này - bất chấp tranh chấp kéo dài giữa hai bên về biển Đông.
"Trung Quốc và Philippines có nhiều lợi ích chung ở biển Đông"- ông Tập nói sau hội đàm. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề gây tranh cãi và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua tham vấn hữu nghị"- nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Tập là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc thăm Manila trong 13 năm qua. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc và Philippines đã thống nhất một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ làm việc với các quốc gia Đông Nam Á khác để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong 3 năm tới.
Về phần mình, ông Duterte khẳng định Trung Quốc và Philippines đã đẩy mạnh quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực những năm gần đây.
"Tôi rất hài lòng với những động lực tích cực gần đây trong quan hệ Philippines-Trung Quốc"- ông Duterte nói. "Sự tin tưởng và tự tin của chính phủ đang trở lên sâu sắc hơn".
Hiện chi tiết về thỏa thuận dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines, trong đó có vị trí thăm dò, vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo dự thảo khung được Thượng nghị sĩ đối lập Philippines Antonio Trillanes công bố, hoạt động thăm dò sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời không ảnh hưởng tới lập trường của hai bên về chủ quyền và quyền hàng hải.
Trong khi đó, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines coi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung nói trên là hành động gây suy yếu tuyên bố lãnh thổ của Philippines ở biển Đông. Trước khi ông Tập tới, hàng trăm người biểu tình đã tập trung ở đại sứ quán Trung Quốc ở Manila và lên tiếng phản đối chính quyền của Tổng thống Duterte xích gần quan hệ với Bắc Kinh.
Một số người ở Philippines coi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc là hành động gây suy yếu tuyên bố lãnh thổ của Philippines ở biển Đông. Ảnh: Reuters |
Theo tường thuật của báo giới địa phương, phát biểu mở đầu cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Duterte gọi chuyến thăm của ông Tập là "sự kiện lịch sử" trong khi ông Tập nói rằng đây là "dấu mốc trong lịch sử trao đổi quan hệ giữa hai nước".
"Hai nước sẽ luôn là hàng xóm tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt và cùng phát triển và thịnh vượng"- ông Tập nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Philippines cũng ký thỏa thuận đầu tư tài chính cho dự án đập Kaliwa, các thỏa thuận xây dựng đường sắt 581 km từ Los Banos tới Matnog và các dự án phát triển hạ tầng ở TP Davao – quê nhà của ông Duterte…
Ông Tập cho biết hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật. Trước đó, Trung Quốc đã cung cấp cho cảnh sát Philippines gói súng đạn trị giá 22 triệu USD.
Tác giả: Đỗ Quyên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động