Thế giới

Phi công cụt hai chân bắn hạ 23 máy bay phát xít

Là phi công Anh xuất sắc với nhiều lần lập công trong Thế chiến II, khó có thể ngờ rằng ông Douglas Bader phải sử dụng hai chân giả khi chiến đấu.


Douglas Bader chụp ảnh trên máy bay với đôi chân giả năm 1940. Ảnh: RAF

Được hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ và quân đội tặng thưởng huân chương Distinguished Flying Cross dành cho phi công xuất sắc, và huân chương Distinguished Service Order dành cho quân nhân xuất sắc, ông Douglas Bader là phi công xếp hạng thứ 5 trong Không quân hoàng gia Anh (RAF) về số lượng máy bay địch đã bắn hạ, theo We Are The Mighty.

23 máy bay quân sự Đức đã không thể trở về sau những cuộc đụng độ với ông Bader. Nhưng điều đặc biệt hơn ở phi công này là ông cụt cả hai chân và phải dùng chân giả.

Khi còn nhỏ, Bader nổi tiếng là một cậu bé khỏe mạnh, yêu thể thao. Gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn sau khi cha ông qua đời do thương tích từ thời Thế chiến I. Bader đã phải nỗ lực giành học bổng thể thao để có thể tới trường, và cũng nhờ sức khỏe cùng tinh thần nhiệt huyết trên sân tập, ông trúng tuyển vào Học viện Không quân Cranwell năm 1928. Tại đây, ông nổi tiếng với kỹ năng lái máy bay tốt.

Sau hai năm học tập, Bader tốt nghiệp và bắt đầu tham gia các màn bay nhào lộn cho RAF. Trong một buổi biểu diễn năm 1931, ông tìm cách thực hiện một cú bay tầm thấp, nhưng tai nạn xảy ra khiến ông buộc phải cưa cả hai chân từ dưới đầu gối.

Chấn thương khiến Bader phải rời khỏi RAF, nhưng được hứa sẽ cho nhập ngũ trở lại nếu chiến tranh nổ ra. Những năm sau đó, ông cố gắng học chơi thể thao với đôi chân giả. Năm 1939, khi Thế chiến II nổ ra, cơ hội trở lại quân ngũ mở ra với Bader. Sau một khóa ôn luyện dành cho phi công, ông được điều tới Duxford, Anh năm 1940. Tại đây, ông được giới thiệu gia nhập đội bay Spitfire, mà ông mô tả là "máy bay trong mơ của nhiều người".

Rất nhanh sau đó, Bader bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ bay. Ông lập chiến công đầu tiên khi bắn rơi một máy bay Đức trong chiến dịch di tản tại Dunkirk, Pháp.

Những chiếc Spitfires cùng loại máy bay Bader sử dụng trong Thế chiến II. Ảnh: Wiki

Chiến lược Big Wing và chiếc chân giả

Khi người Anh bị đẩy khỏi lục địa châu Âu, Hitler nhanh chóng lập kế hoạch xâm chiếm vương quốc này, và những phi công như Bader được trông đợi chặn đứng đội quân của phát xít Đức. Tháng 7/1940, khi Trận chiến nước Anh diễn ra, Bader và chỉ huy của mình là Trafford Leigh-Mallory đã thử nghiệm chiến lược có tên Big Wing.

Theo đó, một lượng lớn chiến đấu cơ sẽ xuất kích để tấn công máy bay ném bom và tiêm kích hộ tống của địch, thay vì chiến thuật đánh du kích với lượng nhỏ chiến đấu cơ tham gia thường được sử dụng khi đó.

Big Wing đã chứng tỏ hiệu quả khi buộc phát xít Đức phải dừng các cuộc không kích ban ngày, và trì hoãn xâm chiếm nước Anh trong năm 1940 sang năm 1941. Các phi công của RAF được tung hô như anh hùng, đặc biệt là Bader.

Tuy nhiên, ngày 9/8/1941, vận may quay lưng với Bader khi máy bay của ông trúng đạn trên bầu trời miền bắc nước Pháp. Ban đầu, ông nghĩ rằng mình gặp nạn vì va chạm với một chiếc Messerschmitt 109 của Đức, nhưng nhiều thập kỷ sau, các nghiên cứu lịch sử cho thấy có khả năng ông bị một phi công Anh khác vô tình bắn rơi.

Khi máy bay rơi, một chân giả của Bader mắc kẹt dưới cần lái máy bay. Khi thoát được ra ngoài, chiếc chân giả bên phải bị hỏng nặng. Ông bị một nhóm lính Đức bắt giữ.

Người Đức khi đó nhanh chóng nhận ra mình đã bắt được một tù binh giá trị. Họ đối đãi tốt và cố gắng sửa chiếc chân giả cho Bader về trạng thái tốt nhất có thể. Ngay khi chân giả được sửa, Bader tìm cách trốn khỏi nơi giam giữ bằng cách bện chăn thành dây thừng và tụt xuống đất. Dù vậy, ông nhanh chóng bị bắt lại.

Dù Bader cố gắng tẩu thoát, người Đức đề nghị phía Anh rằng họ sẽ mở một đường đi an toàn cho máy bay ném bom Anh thả một chiếc chân giả khác xuống để thay thế cho chiếc đã hỏng của Bader. RAF biết rằng người Đức sẽ dùng vụ việc này cho mục đích tuyên truyền, nên đã quyết định vẫn thả chân giả, nhưng ngay sau đó, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh bom thông thường.

Có được chân giả mới, Bader lại tìm cách tẩu thoát. Quân Đức sau đó thường xuyên di chuyển ông từ nhà tù này sang nhà tù khác. Dù vậy, ông vẫn không ngừng tìm cách bỏ trốn, cho tới khi bị đưa tới Lâu đài Colditz, một nhà tù bị xem là không đường thoát.

Lâu đài Colditz năm 1945. Ảnh: US Army

Tại đây, nỗ lực vượt ngục của Bader trở nên khó khăn, nhưng ông lại tìm cách làm khó lính canh. Chẳng hạn, ông nhất quyết không ra đứng xếp hàng để điểm danh. Khi lính Đức vào buồng giam và lệnh cho ông ra ngoài, một cuộc đấu khẩu dữ dội đã nổ ra và cuối cùng, Bader nói với lính gác: "Chân tôi sẽ bị lạnh khi đứng trên tuyết. Nếu các ông muốn điểm danh thì vào phòng tôi mà làm việc đó".

Lính canh rút súng ra và Bader lập tức thay đổi chiến thuật, khiến lính canh càng tức tối. "À được thôi, tôi sẽ đi nếu anh thực sự muốn thế", Bader nói trước khi cầm một chiếc ghế đẩu và kéo ra nơi tập trung rồi ngồi lên để điểm danh. Những chiêu trò trên tiếp tục được Bader lặp lại cho tới khi nhà tù nơi ông bị giam giữ được lính Mỹ giải phóng ngày 15/4/1945. Ông sau đó dẫn đầu đội hình bay gồm 300 máy bay diễu hành qua bầu trời London khi phát xít đầu hàng.

Năm 1946, Bader rời quân ngũ. Ông được phong tước hiệp sĩ năm 1973 vì những nỗ lực trợ giúp những người bị cụt chân, tay khác. Năm 1982, ông qua đời sau một cơn đau tim.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP