Tin địa phương

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với sinh thái bền vững

Chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững - một thông điệp nóng bỏng của thời đại. Song, thách thức đặt ra là phải đảm bảo sự hài hòa giữa 3 yếu tố: kinh tế - xã hội - sinh thái.

Việt Nam đã và đang gặp phải những vấn đề sinh thái, xã hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Vì vậy, theo các nhà khoa học rất cần xây dựng những chiến lược phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai.

Hướng tiếp cận mới

Tại hội thảo khoa học "Chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tiễn" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học từ nhiều góc độ chuyên môn khác nhau đã trao đổi các vấn đề liên quan, góp phần xây dựng một hệ sinh thái kinh tế - xã hội bền vững. Theo các nhà khoa học, các quốc gia đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường - hệ lụy của quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trung tâm của thách thức đó là: cần phải thúc đẩy tăng trưởng kép, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tính đến những tác động môi trường. Những thách thức toàn cầu giữa kinh tế - xã hội và sinh thái đã tạo nên những thách thức trong nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc điều chỉnh, xem xét lại các giá trị phát triển là vô cùng cần thiết. Hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định: Chuyển đổi kinh tế xã hội và sinh thái không chỉ là bối cảnh mà còn là một khung mẫu về các tiêu chí cho phát triển bền vững trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - sinh thái - xã hội. Quá trình này cần có sự tham gia của các bên liên quan, như: người dân, các tổ chức phi chính phủ, nhà khoa học, doanh nghiệp… vì mục tiêu phát triển tương lai. Để làm được điều đó, trước hết, các biện pháp đối phó của các quốc gia cần xem xét các giá trị xã hội, sinh thái để đảm bảo sự cân bằng, bền vững của các chiến lược phát triển kinh tế nói riêng, chiến lược phát triển quốc gia nói chung.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những tác động đến môi trường diễn biến ngày càng gay gắt. Trong ảnh: Sạt lở tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang gặp phải những vấn đề sinh thái, xã hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi cần có những nghiên cứu hệ thống về quan điểm chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái một cách đầy đủ và sâu sắc từ tiếp cận liên ngành. GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Hiện nay, tại Việt Nam, các nghiên cứu sinh thái xã hội đã được phát triển mạnh mẽ, nhưng cần có những nghiên cứu mang tính chiến lược, xây dựng các tiêu chí kinh tế - xã hội - sinh thái tiếp cận với vấn đề chuyển đổi. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường. Trọng tâm của các nghiên cứu không phải là tìm phương thức thay đổi các phương thức sản xuất và lối sống hiện hành mà xem xét và đánh giá tác động của quá trình này trên nền tảng xã hội và sinh thái hiện tại. Hướng nghiên cứu về chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái tại Việt Nam cần tập trung phân tích sự suy giảm giá trị sinh thái xã hội từ quá trình tận khai tài nguyên sẵn có, sự tăng cường các xung đột môi trường, xung đột xã hội do hệ lụy của chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư… Đồng thời, xem xét tác động của các hoạt động kinh tế với xã hội sinh thái hiện nay và giải pháp khắc phục. Qua đó, đảm bảo tính cân bằng, ổn định giữa các thành tố phát triển, hướng tới xã hội tương lai bền vững.

Để phát triển bền vững

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong chiến lược toàn cầu nhằm giải quyết những xung đột nghiêm trọng trong phát triển kinh tế (tăng trưởng kinh tế), ổn định xã hội (tiến bộ, bình đẳng xã hội, giảm nghèo và việc làm) và bảo vệ môi trường (xử lý ô nhiễm, quản lý sử dụng hợp lý nguồn lực tự nhiên và quản lý rủi ro thiên tai). Kinh tế xanh - con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành mô hình phát triển tiên tiến được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam hướng tới. Đây là một trong những giải pháp giúp thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai thực hiện trên toàn quốc. Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững, theo các nhà khoa học cần tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, hạn chế và tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng. Yếu tố quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn là thái độ nhận thức đúng đắn và sự quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân.

Du lịch cộng đồng là mô hình tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó và thân thiện với môi trường sống của con người bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành du lịch mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam. Theo TS. Phạm Hồng Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, du lịch cộng đồng còn giúp người dân địa phương cải thiện mức sống, chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương, khu vực với nhau nhờ chuyển đổi sinh kế từ hoạt động nông nghiệp sang dịch vụ du lịch và các hoạt động phi nông nghiệp khác. Các địa phương xem xét tăng cường phát huy nguồn lực con người, khuyến khích người dân tham gia vào du lịch cộng đồng. Đồng thời hướng dẫn họ đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả đầu tư, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Các địa phương nên xây dựng theo mô hình mỗi cộng đồng một sản phẩm để tránh sự trùng lặp, đồng thời giúp đa dạng hóa các loại hình về sản phẩm du lịch cộng đồng…

Để đạt được mục tiêu "phát triển bền vững liên quan đến mô hình tăng trưởng", các địa phương đã chủ động xây dựng hướng đi phù hợp. Ông Trần Thế Như Hiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ chú trọng đến việc nhận diện đầy đủ thực trạng các nguồn lực, động lực tăng trưởng, khó khăn và cơ hội thách thức để xây dựng các giải pháp và lộ trình thực hiện hợp lý. Cụ thể, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cả tập trung và diện rộng với các sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao, như: gạo cao sản, nông sản xuất khẩu, cây con giống… Ngành công nghiệp tái cơ cấu theo hướng tập trung vào công nghệ chế biến tinh, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng phù hợp thị hiếu xuất khẩu. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu nội ngành sang các ngành mới như: logistics, công nghệ phụ trợ… Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thành phố tái cơ cấu theo hướng chất lượng cao gắn với du lịch; chuyển dần từ thương mại bán lẻ sang bán buôn phù hợp với vị thế trung tâm logistics…

Tác giả: T. TRINH

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP