Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 2.400 hợp tác xã (HTX), 11 liên hiệp HTX, hơn 17.000 tổ hợp tác. Trong đó, mô hình HTX phổ biến và khá hiệu quả khi rất nhiều HTX đang làm tốt vai trò liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp (DN), dưới hình thức DN cung ứng đầu vào, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, tại tỉnh Long An, Vĩnh Long… đều có những mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tạo được sự tin tưởng của người nông dân.
Doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết xây dựng cánh đồng lớn |
Theo đại diện HTX nông nghiệp Tân Tiến (tỉnh Vĩnh Long), sau hơn 3 năm thành lập, từ chỗ chỉ có vài chục hộ nông dân tham gia, nay đã có hơn 100 thành viên với diện tích canh tác lúa ngày càng mở rộng. Điều đáng mừng, nhờ sự liên kết chặt chẽ với DN phân bón (Công ty CP Nông nghiệp GAP) và nhà phân phối (Saigon Co.op) mà đầu ra của lúa luôn ổn định, giá tốt.
Tương tự, ở Cần Thơ, thời gian gần đây, khi không ít lúa Đông Xuân đã thu hoạch lâm vào tình cảnh bán giá thấp thì nông dân của HTX Đồng Vạn (huyện Vĩnh Thạnh) vẫn bán được giá. Được biết, HTX Đồng Vạn thành lập năm 2016, có 46 thành viên, quy mô sản xuất 100ha.
Hay ở An Giang, HTX Vinacam Tri Tôn (huyện Tri Tôn) ra đời với sự tham gia của các thành viên là các hộ nông dân và một số DN trên địa bàn với mục đích cùng nhau tạo ra sự liên kết để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn; thống nhất sản xuất lúa gạo chất lượng cao; nâng tầm, xây thương hiệu cho gạo Việt... Tuy thời gian thành lập chưa lâu nhưng HTX đã thu hút được nhiều thành viên tham gia và được DN trên địa bàn quan tâm hỗ trợ. HTX đã được Công ty Vinacam cung ứng phân bón nhập khẩu chất lượng cao với giá ưu đãi, đồng thời bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với mức giá ổn định.
Trong quá trình hoạt động, HTX Vinacam Tri Tôn còn được Công ty TNHH Amda Việt Nam cung ứng giải pháp canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Điểm quan trọng khi người dân ở huyện Tri Tôn tham gia vào HTX sẽ được mua phân bón theo giá đại lý cấp 1, bán ưu đãi nợ trong 4 tháng. Đại diện HTX khẳng định mục đích thành lập HTX không chỉ xây dựng được một hình mẫu lý tưởng về mô hình này mà còn tăng lợi nhuận cho các thành viên; qua đó, hướng đến mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm hữu cơ theo chuẩn quốc tế.
Đánh giá của những DN thực hiện liên kết với các HTX cho thấy, thay vì thu mua sản phẩm riêng lẻ của từng hộ nông dân, mô hình HTX là cách làm hay, thúc đẩy hợp tác kinh doanh thuận lợi, rõ ràng và đầy đủ pháp lý và DN cũng yên tâm hơn khi đầu tư cho người nông dân.
Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) - chia sẻ, Cỏ May đã thực hiện liên kết với người nông dân, HTX từ vài năm nay. Qua mỗi mùa lúa, hai bên đều ngồi lại để tìm ra những điểm còn vướng mắc để tháo gỡ, từ đó hiệu quả sản xuất được nâng lên không chỉ cho DN mà còn cho cả người nông dân.
Tác giả: Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Công thương