3h39 chiều cùng ngày, sau khi sinh thường một bé trai, do mất máu quá nhiều nên đến 9h20 phút tối, sản phụ này đã qua đời. Đáng nói trong sự việc vô cùng đáng tiếc này là, hình ảnh từ camera giám sát đã cho thấy một sự thật gây phẫn nộ.
Trong suốt quá trình chị Hạ phải đau đớn giành giật giữa sự sống và cái chết, nhóm y bác sĩ sản khoa tại đây đã vô tư xúm lại nói chuyện phiếm, chơi diện thoại, chẳng ai đoái hoài đến lời thỉnh cầu của gia đình sản phụ.
Sự thờ ơ chết người của y bác sĩ
Người nhà sản phụ xấu số cho hay, đây là lần thứ hai chị sinh con. Lần trước đó chị cũng đã sinh con tại bệnh viện này.
"Sau khi nhập viện, vợ tôi đã được kiểm tra và kết quả đều bình thường. Lúc ra khỏi phòng sinh cô ấy vẫn còn cười nói được", anh Hứa, chồng chị Hạ cho hay.
Sau đó, sản phụ được đưa sang phòng chờ sinh để theo dõi. Tại đây, người nhà phát hiện chị Hạ bị chảy máu quá nhiều, liền chạy đi hỏi bác sĩ. Tuy nhiên, bác sĩ Châu phụ trách ca sinh này chỉ nói rằng hiện tượng này là bình thường.
Một lát sau đó, máu vẫn chưa có dấu hiệu ngừng chảy. Vô cùng sốt ruột, người nhà chị Hạ lại tiếp tục đi tìm bác sĩ nhưng người này chỉ nhắn người nhà "bảo cô ấy mạnh mẽ một chút, đừng quá yếu đuối như thế".
Cứ như thế, cho đến tận 17h20 phút chiều cùng ngày mới có bác sĩ qua kiểm tra và vội vã đưa sản phụ vào phòng cấp cứu.
Kiểm tra lại camera giám sát, phóng viên tờ Hoa Thương (Trung Quốc) phát hiện, người nhà sản phụ đã hai lần chạy đến quầy y tá để thông báo tình hình.
Vào thời điểm đó, có một số y bác sĩ đang quây lại nói chuyện, cười cợt và chơi điện thoại, không có bất cứ phản ứng gì trước lời đề nghị của người nhà bệnh nhân.
Hình ảnh được cắt ra từ clip do camera giám sát ghi lại.
Kết luận của bệnh viện
Tuy nhiên, ngay cả khi người phụ nữ xấu số được đưa vào phòng cấp cứu, một vấn đề nữa lại xuất hiện: Bệnh viện Tuy Đức không có máu dự trữ.
Trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện này đã vội vã yêu cầu người nhà sản phụ sang bệnh viện khác lấy máu. Dù đã mua được 6 đơn vị máu song đến 9h20 phút tối, chị Hạ vẫn không thể vượt qua cửa ải khó khăn này.
"Khi chúng tôi chạy vào phòng cấp cứu, cả bác sĩ và y tá đều không thấy bóng dáng một ai. Trên người vợ tôi lúc đó vẫn cắm đầy các loại ống, cũng không có ai thông báo rằng cô ấy đã không qua khỏi", anh Hứa cho hay.
Sau sự việc này, bệnh viện Tuy Đức ra kết luận, nguyên nhân dẫn đến cái chết của sản phụ Hạ ban đầu được xác định là do thuyên tắc ối, đã cấp cứu nhưng không cứu được bệnh nhân.
Né tránh dư luận
Chiều 21/7, phóng viên tờ Hoa Thương đã liên lạc với phó chủ nhiệm khoa Sản bệnh viện Tuy Đức. Tuy nhiên khi vừa nghe giới thiệu là phóng viên muốn phỏng vấn, người này đã ngay lập tức gác máy.
Phó giám đốc bệnh viện – người thay mặt bệnh viện xử lý vụ việc này cũng có phản ứng tương tự.
Còn theo ông Lưu Quân Vĩ, người đứng đầu bệnh viện Tuy Đức, hiện tại bệnh viện đang thu xếp thương lượng với người nhà bệnh nhân.
Thế nhưng khi được hỏi trong sự cố này, bệnh viện có sai phạm gì không thì ông ta vờ như không nghe được đầu dây bên kia nói gì và gác máy.
Đại diện phòng ý tế huyện Tuy Đức Lý Tiểu Bình cho hay, cơ quan này đã cử người điều tra sự việc. Để kết luận bác sĩ có trách nhiệm hay không, cần phải tiến hành giám định y học mới có thể xác định được.
Còn theo phía ủy ban hòa giải tranh chấp giữa bệnh nhân và bác sĩ huyện Tuy Đức, hai bên hiện đang có tranh cãi về số tiền đền bù. Nếu không thể hòa giải, người nhà bệnh nhân cần đưa vụ việc này ra xử lý theo quy định của luật pháp.
Vụ việc này một lần nữa lên án mạnh mẽ một bộ phận y bác sĩ thiếu trầm trọng các gọi là y đức hiện nay tại Trung Quốc. Chính bởi những con người này mà lòng tin của người dân vào bác sĩ bị mai một.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới y bác sĩ nói chung đôi khi bị bệnh nhân quy chụp, gây sự dù bác sĩ "không làm gì nên tội" trước sự mất mát của bệnh nhân.
Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch nước ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn máu mẹ thông qua nhau thai, gây ra một phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính cho mẹ. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Nhung