Kiểm sát viên công bố quan điểm luận tội. |
Ngày 22/3, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank (OJB) kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận.
Mở đầu, đại diện VKSND TP Hà Nội công bố quan điểm luận tội vào mức án đề nghị. Người giữ quyền công tố khẳng định, từ năm 2008 – 2011, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cùng 6 đồng phạm đã góp 800 tỷ đồng của PVN vào OJB.
Việc này vi phạm quy chế làm việc của PVN, luật các tổ chức tín dụng dẫn đến việc PVN mất toàn bộ 800 tỷ đồng khi OJB thua lỗ, bị mua lại 0 đồng. Vì vậy, VKSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Ngoài ra, khi PVN góp 20% vào OJB, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN được cử làm TGĐ OJB. Ông Sơn đề nghị và được Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB đồng ý chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, giao việc này cho ông Sơn. Vì vậy, từ 2009 – 2013, Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ Sơn 20 tỷ đồng để giúp đỡ, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo PVN gửi tiền vào OJB.
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. |
Tại tòa, Ninh Văn Quỳnh khai đã dùng tiền mua nhà, cho con đi du học… hiện đã khắc phục toàn bộ. Hành vi này của ông Quỳnh đã phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”.
Liên quan việc này, Nguyễn Xuân Sơn khai đã nhận từ Hà Văn Thắm khoảng 200 tỷ đồng, đưa cho Ninh Văn Quỳnh 180 tỷ đồng nhưng bị cáo Quỳnh không thừa nhận. Đề nghị tòa kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi Sơn nhận tiền từ Hà Văn Thắm
Kiểm sát viên cũng khẳng định, hành vi của các bị cáo ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, tạo dư luận xấu… Các bị cáo đều là lãnh đạo, từng có nhiều phấn đấu nhưng lại vi phạm các quy định gây thiệt hại cho PVN 800 tỷ đồng. Riêng Ninh Văn Quỳnh còn xâm phạm tài sản của Nhà nước, thể hiện sự thoái hóa, biến chất.
Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử còn thể hiện pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, ở cương vị nào cũng đều bị xử lý nếu vi phạm pháp luật
Trong các bị cáo, ông Đinh La Thăng là người có chức vụ cao nhất ở PVN, có trách nhiệm bảo toàn vốn. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện và phải chịu trách nhiệm cao nhất về 800 tỷ đồng bị thất thoát. Bị cáo không ăn năn hối cải, có hành vi né trách, bao che, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi lượng hình, đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ do bị cáo có nhiều cống hiến, đã nhận trách nhiệm người đứng đầu.
Với Ninh Văn Quỳnh, kiểm sát viên đánh giá, bị cáo này tích cực giúp bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng 800 tỷ và chiếm đoạt 20 tỷ nhưng ông Quỳnh thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả vì vậy đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt.
Tiếp đến, Vũ Khánh Trường – nguyên thành viên HĐTV PVN được xác định tham gia tích cực gây thiệt hại 400 tỷ đồng trong số 800 tỷ đồng vốn góp. Vì vậy, cần có mức hình phạt tương xứng cho ông Trương nhưng cũng cần cân nhắc bị cáo phạm tội lần đầu, tích cực giúp cơ quan điều tra… nên cần giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng – nguyên thành viên HĐTV PVN và Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm với bị cáo Thăng, làm trái luật các tổ chức tín dụng gây thiệt hại 100 tỷ đồng (trong số 800 tỷ đồng góp vốn). Tuy nhiên, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên kiển sát viên đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt cho họ.
Cuối cùng, các bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức – cùng nguyên thành viên HĐTV PVN đã biểu quyết chấp thuận tăng vốn 100 tỷ đồng tại OJB, trái luật các tổ chức tín dụng. Theo người giữ quyền công tố, các bị cáo phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng, vai trò thấp nhất trong vụ án… nên đề nghị tòa tuyên hình phạt thấp nhất dưới khung, không cần thiết phải cách ly các bị cáo khỏi đời sống.
Về dân sự, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên Ninh Văn Quỳnh phải trả 20 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho PVN. Về 800 tỷ đồng bị thất thoát, buộc bị cáo Thăng phải chịu trách nhiệm chính, các bị cáo khác liên đới bồi thường 800 tỷ đồng.
Từ phân tích trên, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 18 – 19 năm tù; Vũ Khánh Trường 7 – 8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn từ 30 – 36 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng từ 24 – 30 tháng tù; Nguyễn Thanh Liên từ 24 – 30 tháng cải tạo không giam giữ; Phan Đình Đức từ 24 – 30 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Cố ý làm trái…”.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh được đề nghị nhận từ 7 – 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”, 17 – 18 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, tổng hình phạt từ 24 – 26 năm tù.
Tác giả: XUÂN ÂN
Nguồn tin: Báo Tiền phong