Kinh tế

Ông bầu bóng đá quyền lực và những doanh nhân tuổi Dần nổi danh

Với bản lĩnh và tính cách mạnh mẽ, những doanh nhân tuổi Dần được đánh giá là có sức mạnh và sự quyết liệt giống như con giáp của họ. Thương trường Việt có không ít doanh nhân tuổi Dần rất thành công.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ngân hàng SHB

Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm Nhâm Dần - 1962, là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn T&T Group.

Với công chúng, doanh nhân Đỗ Quang Hiển được nhắc tới nhiều nhất với tên gọi "bầu Hiển". Năm 2006, bầu Hiển thành lập CLB Bóng đá T&T và chỉ sau 3 mùa giải, đội bóng này đã thăng 3 hạng để giành quyền thi đấu V-league 2009. Hiện tại, bầu Hiển được cho là sở hữu 5 đội bóng, nơi đào tạo nên lứa cầu thủ vàng gồm Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh, Văn Hậu...

Ông Đỗ Quang Hiển - một doanh nhân rất "rộng rãi" tài trợ cho bóng đá (Ảnh: T&T).

Bên cạnh việc quản lý sản nghiệp, ông Hiển cũng đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội; Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trước khi bén duyên với nghiệp kinh doanh, ông Đỗ Quang Hiển từng là một người làm khoa học. Ông học khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ngành vật lý vô tuyến, ông Hiển làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài phát thanh Hà Nội, sau đó gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.

Năm 1993, ông thành lập T&T với hoạt động ban đầu là buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… Sau đó, ông Hiển gặt hái thành công lớn khi đầu tư, kinh doanh xe gắn máy.

Giai đoạn 2006-2007, bầu Hiển đầu tư vào lĩnh vực tài chính và trở thành cổ đông chính (sở hữu 14%) và là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB. Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC).

Cùng năm, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang. Tháng 8/2015, T&T công bố đã mua cảng Quảng Ninh từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.

Ngoài ra, bầu Hiển cũng đánh dấu việc đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp với sự xuất hiện tại Vinafood 2, Vegetexco…

Trong sự nghiệp của mình, bầu Hiển còn tạo tiếng vang khi SHB tiếp quản thành công Habubank - thương vụ tái cơ cấu tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng; giải cứu Bianfishco của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI

Cũng sinh năm Nhâm Dần - 1962, ông Nguyễn Duy Hưng là nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI. Từ lâu, ông Hưng được đánh giá là một trong những người rất có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt.

Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, bố mẹ đều là giáo viên, ông Hưng được lựa chọn đi du học Đông Âu để trở thành một nhà khoa học. Vì một sự cố "dính" kỷ luật, ông Hưng buộc phải trở về nước, làm cho một cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, ông thấy mình hợp với nghiệp doanh nhân hơn, nên đã xin nghỉ nhà nước để ra bên ngoài.

Ông Nguyễn Duy Hưng - một nhân vật có ảnh hưởng với thị trường chứng khoán Việt (Ảnh: SSI).

"Tôi khởi đầu với một công ty về cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người. Nhưng người từng làm tư vấn đầu tư như tôi vẫn chưa cảm thấy phù hợp. Tôi luôn ấp ủ việc tổ chức một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường chứng khoán ra đời chính là một cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng này" - ông Hưng nói trong một lần xuất hiện trên Dân trí.

Công ty Chứng khoán SSI ra đời cuối năm 1999, cùng năm với sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Từ một công ty rất nhỏ với vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, đến hôm nay, SSI đã trở thành công ty lớn nhất thị trường.

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch CTCP Thành Thành Công Biên Hòa

Sinh năm Nhâm Dần - 1962, bà Huỳnh Bích Ngọc nổi tiếng trên thương trường với danh hiệu "nữ hoàng mía đường". Bà là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC, Chủ tịch HĐQT TTC Sugar.

Xuất phát từ doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ vào năm 1979, bà Huỳnh Bích Ngọc (biệt danh là "nữ hoàng mía đường") và chồng là doanh nhân Đặng Văn Thành sáng lập, đến năm 1999 công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thành Thành Công. Từ đây Thành Thành Công bắt đầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực mới gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng và giáo dục.

Bà Huỳnh Bích Ngọc dành gần như trọn sự nghiệp và tâm huyết cho ngành mía đường (Ảnh: TTC).

Tuy nhiên, kể cả sau này khi ông Thành rời ngành ngân hàng thì hoạt động kinh doanh mía đường của gia đình bà Huỳnh Bích Ngọc vẫn không ngừng phát triển và lớn mạnh.

Thị phần của TTC Group trong ngành đường chiếm hơn 46% cả nước. Sau khi sáp nhập Đường Biên Hòa (BHS) với Bourbon Tây Ninh (SBT) và mua lại toàn bộ mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai, vùng diện tích vùng nguyên liệu của TTC Group khoảng 63.000 ha tại Việt Nam, 6.000 ha tại Lào của HAGL và dự kiến mở 20.000 ha tại Campuchia.

Mới đây, TTC Sugar công bố mua 16,78 triệu cổ phần của Công ty CP Mía đường Tây Ninh (Tanisugar), tương đương tỷ lên 57,07% theo hình thức thỏa thuận, nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Tanisugar lên gần 64%. TTC Sugar cho biết, mục đích đầu tư vào Tanisugar vì có ngành nghề phù hợp với định hướng và chiến lược của công ty. Thời gian thực hiện là quý II, quý III niên độ 2021-2022.

Với triết lý "sống là phải đam mê và có những giấc mơ lớn", trong suốt hơn gần nửa thế kỷ qua, bà Huỳnh Bích Ngọc vẫn luôn kiên định với triết lý của mình.

Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch VietinBank

Ông Trần Minh Bình sinh năm Giáp Dần - 1974, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từ tháng 9/2021.

Ông Trần Minh Bình từ một nhân viên phòng thanh toán quốc tế đã vươn lên trở thành Chủ tịch VietinBank - một trong "big four" của ngành ngân hàng (Ảnh: VietinBank).

Ông Trần Minh Bình có bằng Thạc sỹ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân - Đại học ULB (Bỉ); cử nhân, chuyên ngành Kế toán, Học viện Ngân hàng, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Ông Bình có hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc tại VietinBank, trong đó có 17 năm đảm nhận vị trí cán bộ quản lý nghiệp vụ tại trụ sở chính và chi nhánh, 8 năm ở cương vị lãnh đạo cấp cao tại VietinBank.

Từ vị trí đầu tiên là nhân viên phòng thanh toán quốc tế tại ngân hàng này (năm 1999), ông Bình đã vươn lên và trải qua nhiều vị trí, từ thư ký văn phòng Tổng giám đốc đến Phó phòng dịch vụ thẻ, Giám đốc trung tâm thẻ, Trưởng phòng đầu tư VietinBank, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty cho thuê tài chính VietinBank.

Từ năm 2012, kinh nghiệm điều hành của ông Bình còn được tôi luyện qua nhiều vị trí quan trọng khác như Phó giám đốc, Giám đốc các chi nhánh, Giám đốc Khối kinh doanh vốn và thị trường, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ VietinBank... Từ cuối năm 2018, ông Bình được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngân hàng kiêm thành viên Hội đồng quản trị trước khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT VietinBank hồi năm ngoái.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB

Khoảng 2 tuần trước Tết Nguyên Đán (ngày 14/1), "ghế nóng" CEO của Ngân hàng ACB bất ngờ có sự thay đổi. Theo đó, ông Từ Tiến Phát được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc ngân hàng nhiệm kỳ 2022-2025 thay ông Đỗ Minh Toàn.

Ông Từ Tiến Phát - thế hệ lãnh đạo trẻ của ACB (Ảnh: Vietnam+).

Ông Từ Tiến Phát sinh năm Giáp Dần - 1974, tốt nghiệp Cử nhân kinh tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Trước khi được bổ nhiệm làm tân Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát được cho biết là đã có quá trình làm việc hơn 25 năm, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng và đạt nhiều thành tựu trong công việc tại ACB.

Ông Phát "là đại diện thế hệ nhân sự trẻ trưởng thành và kế thừa tinh thần lãnh đạo của ngân hàng dựa trên năm giá trị cốt lõi: chính trực, cẩn trọng, cách tân, hài hòa, hiệu quả" - ACB cho hay.

Tác gỉa: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP