Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam đạt 12.380 chiếc, giảm tới 75,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Nhóm công tác Ô tô và Xe máy thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tác động từ Nghị định 116 khiến gần như toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu,... 6 tháng qua bị ngừng lại. Hàng loạt đơn hàng ô tô nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2018 bị hủy, ảnh hưởng tới các DN nhập khẩu cũng như đại lý bán xe.
Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 ô tô các loại mỗi năm. Số lượng xe về nước 6 tháng đầu năm 2018 quá ít dẫn đến tình trạng thiếu hàng. Nhiều mẫu xe nhập, tuy được hưởng thuế 0%, nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. Mẫu xe HR-V của Honda Việt Nam nhập khẩu về nước có giá dự kiến dưới 900 triệu đồng. Tuy xe được trang bị hiện đại, nhưng giá bán lại khá “chát” so với hình dung của nhiều người. Cùng với đó, một loạt mẫu xe nhập khẩu khác cũng ở mức cao như Honda CR-V, hay Toyota Fortuner,...
Xe nhập khẩu về giỏ nhọt, khan hiếm nên giá xe khó giảm |
Các DN nhập khẩu cũng nói thẳng, họ sẽ bán với giá thị trường chấp nhận. Tức là, chiếc xe nhập về có giá 700 triệu đồng, nhưng thị trường chấp nhận ở mức 1 tỷ đồng thì sẽ bán giá 1 tỷ đồng. Làm được như vậy là do xe nhập khẩu khan hiếm. Những mẫu xe ăn khách luôn thiếu hàng chính là cơ hội để các DN và đại lý làm giá.
Dự báo, từ quý 3 trở đi, nhập khẩu ô tô sẽ tăng mạnh so với hai quý đầu năm, do các DN dần thích ứng với các quy định mới. Tuy nhiên, số lượng xe cũng không thể về nhiều như năm trước. Theo các DN, có lẽ phải sang năm 2019, mọi chuyện mới trở nên hanh thông với xe nhập khẩu và số lượng về sẽ nhiều hơn. Khi đó mới tính đến chuyện giảm giá.
Chính vì thế, dù giai đoạn này các đại lý không bán được nhiều xe nhưng kiếm lãi không hề nhỏ, những mẫu xe hót kiếm lãi 300- 500 triệu đồng là điều hoàn toàn có thể.
Song, điều này còn phụ thuộc vào việc kiểm soát ô tô nhập khẩu nguyên chiếc của các cơ quan chức năng. Thời gian tới, xe nhập khẩu tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ.
Vì thế, một số DN đề nghị bỏ quy định nhập khẩu ô tô phải xuất trình Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và kiểm tra xe theo từng lô (chỉ kiểm tra lô nhập đầu tiên với các mẫu xe mới).
Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được sự đồng tình từ các cơ quan chức năng.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, đây là một trong các căn cứ ban đầu để kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Trường hợp không kiểm tra chất lượng theo từng lô sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu gian lận, đưa hàng hóa kém chất lượng vào, khiến quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Xe lắp ráp trong nước trong cơ hội tăng sản lượng |
Theo các DN nhập khẩu ô tô, hiện thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn cho một lô xe kéo dài tới 3 tuần. Sắp tới, khi số lượng xe nhập khẩu tăng lên, thời gian chờ thử nghiệm còn kéo dài hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và làm tăng chi phí với xe nhập khẩu.
Không những thế, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa của ô tô trong khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế 0%. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật để quản lý chất lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ có những biện pháp kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nhiều người hy vọng ô tô nhập với thuế 0% tràn vào, giá xe sẽ rẻ. Tuy nhiên, điều này chưa thể xảy ra.
Trong khi đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước đang được hưởng lợi. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất lắp ô tô 6 tháng đầu năm phục hồi mạnh, đạt 114.600 xe các loại, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Để hỗ trợ sản xuất trong nước, các cơ quan chức năng đã đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm. Cùng với đó là không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với phần giá trị tạo ra trong nước.
Nếu những chính sách này được thông qua, từ 2019, xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội giảm giá hơn nữa. Cùng với nhà máy ô tô Mazda đã đi vào hoạt động, dự án mở rộng nhà máy sản xuất xe Hyundai tại Việt Nam hoàn tất và một số mẫu xe sẽ chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước như Toyota Fortuner,... sản lượng ô tô trong nước thời gian tới sẽ tăng, thu hút thêm khách hàng. Những yếu tố này cũng tác động đến xe nhập khẩu, giá xe phải giảm mới có thể cạnh tranh với xe trong nước.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet