Xã hội

Nữ sinh lớp 10 trường chuyên t.ự vẫn, phụ huynh khóc ngất, đau lòng quá!

Hai ngày qua, sự việc nữ sinh tên N lớp 10, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự vẫn tại nhà riêng khiến nhiều người đau xót, bàng hoàng.

Bà P.T.T.V (mẹ em N.) khóc ngất khi nhắc đến cô con gái của mình: “Đau lòng quá. Tôi không ngờ sự việc lại nghiêm trọng, nặng nề đến mức như thế. Tôi đã mất con thật rồi!”.

Bà V. cho biết, N. là chị cả trong nhà có 3 chị em. Tuy không học nổi trội nhất lớp nhưng năm học qua, N. cũng là học sinh giỏi. “Học kỳ 1 cả khóa có 15 lớp, chỉ có 13 bạn được học bổng, trong đó có N. Kể từ đó các bạn làm căng đến mức con gái tôi sống không được, đi học cũng không yên”, bà V. kể.

Theo bà V., bà đã hai lần lên gặp ban giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con gái. Trong đó, có một lần bà gặp được trực tiếp thầy hiệu trưởng. Lúc ấy, thầy hiệu trưởng không nhất trí cho N. chuyển lớp và nói gia đình phải nhìn nhận lại tại sao em N. lại không thích nghi với các bạn. Thầy cũng hứa sẽ chấn chỉnh lại lớp, xem xét nếu kết quả học tập kỳ 1 của N. tốt.

Vị phụ huynh này cũng chia sẻ, ở lớp, em N. bị tẩy chay, bị tách ra khỏi nhóm bạn do không bỏ tiết, không tham gia đi chơi với nhóm này. Bà V. còn cung cấp nhiều tin nhắn trò chuyện giữa hai mẹ con trước khi em N. tự vẫn. Theo đó, trong những lần trò chuyện với mẹ, em N. nhiều lần tâm sự “chán, không muốn đi học nữa”.

Trường THPT chuyên Đại học Vinh – nơi nữ sinh N. theo học

“Khoảng cuối học kỳ 1, em N. có nhắn tin riêng cho tôi hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp và hỏi nếu viết đơn thì nộp cho ai. Lúc đó tôi chỉ trả lời không có mẫu đơn này và việc chuyển lớp thuộc thẩm quyền của Ban giám hiệu nhà trường. Về lý do em N. muốn chuyển lớp, em N. không chia sẻ nên tôi không nắm được”, cô Hà nói và khẳng định phụ huynh em N. không đến gặp cô để xin chuyển lớp như thông tin trên mạng xã hội.

Cũng theo bà V., gần đây con gái bà còn bị nhóm học sinh kia rủ nhau chặn đường để đánh. Bà đã phải đến tận trường đón con gái sau mỗi buổi tan trường. “N. bị chặn đánh rất nhiều lần nhưng con giấu. Nhiều lần tôi đã phải đến tận trường đón. N. nói “Mẹ ơi mẹ không đến đón thì con không thể về được”. Tôi rất căng thẳng. Gia đình đã gọi điện cầu cứu cô giáo chủ nhiệm về vấn đề N. bị bạo hành, bị chặn đánh…”, bà V. nhớ lại.

Cũng theo cô Hà, thời gian qua em N. nghỉ học rất nhiều. Trong đó có nhiều lần mẹ em N. nhắn tin xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau. Thời gian trước khi sự việc xảy ra, em N. tiếp tục nghỉ học, cô Hà đã gọi điện thoại cho phụ huynh thì biết được có một số lần em N. tự lấy điện thoại của mẹ để nhắn cho cô xin nghỉ học vì không muốn đến lớp học nữa. “Từ đầu năm học đến nay, em N. đã nghỉ 20 buổi học. Từ ngày 4/2 đến nay, em N. đã nghỉ 8 lần, trong đó có lần nghỉ từng tiết, có lần nghỉ cả buổi học”, cô Hà cho hay.

Chia sẻ về thông tin em N. bị cô lập, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 cho biết, lúc trước, em N. có chơi thân với một nhóm bạn. Từ sau ngày 20/11 năm ngoái, các bạn và N. không còn chơi chung nữa. Cô Hà sau đó cũng đã tìm hiểu, gặp riêng nhóm học sinh trên và nhận được câu trả lời “không hợp nhau nên không chơi nữa”. Học sinh có một số nhóm chat riêng trên mạng xã hội, nhưng vì nhóm kín nên cô không biết được câu chuyện và nội tình.

Ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị Học sinh - Sinh viên Trường Đại học Vinh cho biết: “Sự ra đi của em N. không chỉ là đau buồn riêng của gia đình, mà còn là nỗi đau buồn của toàn thể nhà trường, cán bộ, giáo viên, học sinh... Trước dư luận trái chiều, nhà trường đang tích cực làm việc với các bên liên quan để có thông tin khách quan nhất về sự việc”.

Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết, trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em N. có lên gặp thầy để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội với lý do là muốn sang lớp cô giáo này chủ nhiệm để học. Tuy nhiên, đối với khối 10 năm nay, việc chuyển lớp không thể thực hiện ngay.

“Em hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em N. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Còn gia đình em N. chưa khi nào gặp thầy để trao đổi về vấn đề xin chuyển lớp”, thầy Chung khẳng định.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP