Các bị cáo tại phiên tòa. |
Ngày 14/5, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử phần dân sự trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt trên 64 tỷ đồng do nữ doanh nhân Trần Thị Bạch Huệ (SN 1978, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chủ Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ, Thương mại và Du lịch Thúy Nga cùng em ruột Trần Thị Kim Luyến (SN 1981) và các đồng phạm thực hiện.
Trong vụ án này còn có nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á-chi nhánh Cần Thơ (VAB) gồm: Nguyễn Minh Bảo (SN 1977) nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Phú An; Nguyễn Ngọc Nguyên Khánh (SN 1979) nguyên Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Phú An; Nguyễn Phương Giang (SN 1976, cùng ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch an Nghiệp; Châu Thùy Dương (SN 1983, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nguyên cán bộ tín dụng phòng giao dịch An Nghiệp, cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo nội dung vụ án, trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ, từ tháng 8/2009, lợi dụng mối quan hệ quen biết với Bảo và Giang, Huệ nhận thế chấp quyền sử dụng đất của nhiều người rồi yêu cầu người thế chấp ký ủy quyền hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhiều người khác (do Huệ thuê đứng tên) để những người này tiếp tục thế chấp vào ngân hàng vay tiền theo yêu cầu của Huệ.
Sau khi vay được tiền của ngân hàng, Huệ viện cớ muợn lại hồ sơ nhà đất rồi tiếp tục thế chấp, chuyển nhượng cho các cá nhân và các tổ chức tín dụng khác hoặc trả lại chủ cũ.
Mặt khác, để phục vụ cho mục đích chiếm đoạt của mình. Huệ còn làm giả giấy đăng ký xe ô tô và mang đi cầm cố.
Với thủ đoạn gian dối này, Huệ đã chiếm đoạt hơn 64 tỷ và 600 chỉ vàng SJC của các Ngân hàng và cá nhân. Trong đó, Ngân hàng VAB là hơn 45 tỷ và 600 chỉ vàng SJC.
Luyến bị cáo buộc giúp sức tích cực cho chị gái trong việc phạm tội bằng cách đứng ra quan hệ với chủ bất động sản, phòng công chứng, các cán bộ ngân hàng là Giang, Bảo, Dương và Khánh để thực hiện các hợp đồng giả tạo giúp Huệ chiếm đoạt tiền.
Nhóm nguyên cán bộ ngân hàng đã không thực hiện đúng quy định của ngân hàng khi giải quyết cho Huệ vay tiền dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng VAB.
Với hành vi nêu trên, bản án hình sự sơ thẩm ngày 1/10/2014, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Huệ tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4 năm tù về tội làm giả con ấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt tù chung thân; Trần Thị Kim Luyến 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.; Nguyễn Phương Giang 17 năm tù; Nguyễn Minh Bảo 12 năm tù; Châu Thùy Dương 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Phương Khánh 5 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức.
Về trách nhiệm dân sự buộc các bị cáo phải cùng liên đới bồi thường thiệt hại cho Ngân hàng VAB.
Sau khi các bị cáo kháng cáo, TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ án tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, chỉ giảm nhẹ hình phạt đối với Nguyên Phương Giang xuống còn 15 năm tù. Đồng thời sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự buộc Huệ phải bồi thường cho Ngân hàng VAB hơn 45 tỷ cùng 600 chỉ vàng, Luyến liên đới bồi thường hơn 4,2 tỷ. Các bị cáo thuộc Ngân hàng VAB cũng chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho ngân hàng tùy vào thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra.
Sau đó, TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm vụ án. Theo đó, tòa nhận định, Huệ đã chiếm đoạt của Ngân hàng VAB hơn 45 tỷ và 600 chỉ vàng, trong đó, Luyến giúp sức cho chị gái chiếm đoạt hơn 4,2 tỷ vì vậy phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường nhưng không xác định rõ phần bồi thường của mỗi bị cáo. Việc tòa sơ thẩm tuyên Luyến bồi thường sau khi Huệ hết khả năng bồi thường là không đúng quy định.
Mặc khác nhóm cán bộ ngân hàng chỉ bị kết án về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, không phải là đồng phạm của Huệ nên cấp sơ thẩm đã tuyên các bị cáo này chịu trách nhiệm liên đới bồi thường là sai. Do đó, bản án giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm về phần quyết định trách nhiệm dân sự, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại về phần trách nhiệm dân sự của các bị cáo.
Tại phiên tòa lần này, Huệ khai, hành vi phạm tội của Luyến góp phần hình thành nên tài sản của bị cáo. Bản thân Luyến cũng cho rằng đã đem tiền về và đưa hết cho chị gái, không hưởng lợi trong vụ án nên mong HĐXX xem xét.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên buộc Huệ phải bồi thường hơn 45 tỷ và 600 chỉ vàng, Luyến chịu trách nhiệm liên đới bồi thường 4,2 tỷ cho ngân hàng.
Tác giả: Lê An
Nguồn tin: Báo Giao thông