Kinh tế

"Nóng" chuyện giá điện, nhãn hiệu nông sản

Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như bậc thang giá điện, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản,... đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra mổ xẻ

Ngày 21-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT); công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; nội vụ...

Biểu giá điện mới có 5 bậc

Liên quan giá điện, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cách tính theo bậc thang hiện nay chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của người dân, khi bậc 1 quy định mức sử dụng chỉ 0-50 KWh. Bên cạnh đó, người dân còn phải chịu thuế suất thuế GTGT 10% trong hóa đơn tiền điện. ĐBQH đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh bậc 1 trong bậc thang điện sinh hoạt lên mức 100 KWh và tính toán bỏ thuế GTGT.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay giá điện bậc thang là mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia, mục đích là nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng năng lượng tiết kiệm. "Sản phẩm của ngành điện rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều càng ảnh hưởng tới môi trường" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Theo "tư lệnh" ngành công thương, biểu giá điện bán lẻ bình quân hiện hành gồm 6 bậc. Bộ Công Thương đã chủ trì sửa đổi quy định này theo hướng giảm 1 bậc thang giá điện. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0 - 50 KWh lên 0 - 100 KWh, giữ nguyên mức hỗ trợ người nghèo lên đến 30 KWh. Ngoài ra, để bảo đảm không bù chéo, gây thiếu công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo đề nghị điều chỉnh khung giá điện sản xuất và sinh hoạt về mức tiệm cận, giá điện một số ngành sản xuất tương ứng với lĩnh vực dịch vụ.

Về thuế GTGT trong hóa đơn tiền điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm thuế là nguồn thu ngân sách chủ yếu, giúp bảo đảm sự vững mạnh của tài chính công và có nguồn trang trải cho hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội. "Thuế suất thuế GTGT 10% là mức thấp, đã áp dụng từ năm 1999 đến nay" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Liên quan chất vấn của ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) về câu chuyện điều hành giá và tình hình thua lỗ của ngành điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định "không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập gây thua lỗ".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-8. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, chính sách giá điện hiện nay tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá... Theo đó, điện là một trong những mặt hàng bình ổn giá theo chỉ đạo của nhà nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán, cung ứng điện và bảo đảm an ninh điện quốc gia. Do đó, có sự chênh lệch giá đầu vào (thực hiện theo cơ chế thị trường) và đầu ra (bảo đảm an sinh xã hội).

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực theo hướng xóa bù chéo, tính đúng, tính đủ giá thành; dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2024. Ngoài ra, Nghị định 80/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đã được ban hành và nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái chuẩn bị ban hành cũng sẽ từng bước giúp thị trường hoàn hảo hơn.

Hàng hóa phải đáp ứng thị trường

Nhận xét việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực của nước ta chưa được thực hiện hiệu quả, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu nông sản và cải thiện đời sống nông dân?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể khi đến Bình Phước - "thủ phủ" trồng điều, ông chứng kiến bà con đốn cây điều đã gắn bó bao đời để trồng sầu riêng. Hỏi lý do, người dân nói rằng sầu riêng đem lại thu nhập cao - đến 1 tỉ đồng/ha, còn trồng điều chỉ thu được 35-40 triệu đồng/ha. "Họ hỏi lại: "Nông dân chúng tôi nên làm thế nào?". Đây là câu hỏi rất đắng lòng!" - ông Lê Minh Hoan nói.

Để bảo vệ cây điều trước xu thế mới của thị trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT gợi ý người dân trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều để vườn điều có đa tầng giá trị. Ngoài ra, trồng cây điều có đặc thù là không dùng thuốc, phân bón hóa học nên có thể có nguồn thu từ tín chỉ carbon. Với cây sầu riêng, muốn xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cho sản phẩm, phải có hiệp hội ngành hàng để liên kết nông dân.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương ký kết các nghị định thư với các nước để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, yêu cầu chuẩn hóa hàng hóa nông sản là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" như nước ta.

"Chúng ta không thể nói đến tiêu thụ nếu hàng hóa không bảo đảm các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước. Do đó, cần quan tâm vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Bên cạnh đó, trước khi bàn chính sách hỗ trợ tiêu thụ, cần phải bàn chính sách liên kết những mảnh ruộng nhỏ trở thành mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Cũng theo người đứng đầu ngành NN-PTNT, phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một cách để gia tăng tiêu thụ sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương, qua đó giải tỏa được áp lực thị trường và tạo sinh kế. Đáng chú ý, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia, là bước thay đổi về cơ chế quản lý nông sản khi không can thiệp vào thị trường nhưng vẫn có thể ứng phó kịp thời trước biến động. Sau gạo, có thể là các sản phẩm chủ lực khác như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu...

Ông HOÀNG TRỌNG THỦY, chuyên gia nông nghiệp:

Quy hoạch vùng trồng gắn với chuỗi giá trị

Sầu riêng là loại cây trồng sinh lời cao nên không tránh được việc nông dân chạy theo trồng loại cây này. Song, để phát triển bền vững, cần có quy hoạch vùng trồng gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản. Bên cạnh đó, nếu trồng ở vùng đất mà trước kia trồng điều thì cần lưu ý đất này tương đối bạc màu, phải có quy trình xử lý về đất, nguồn nước song song với chú trọng giống, chất lượng...

Còn với ngành điều, Việt Nam vốn là "thủ phủ" chế biến điều của thế giới nhưng gần 10 năm nay, diện tích trồng bị suy giảm. Để thích ứng với thách thức này, doanh nghiệp sản xuất có thể liên kết với vùng nguyên liệu không chỉ ở Việt Nam, mà có thể mở rộng sang Campuchia - nơi đang cung ứng hơn 90% sản lượng điều cho nước ta.

PGS-TS TRẦN VĂN BÌNH, Đại học Bách khoa Hà Nội:

Cân nhắc thực hiện giá điện 2 thành phần

Việc Bộ Công Thương tiếp tục duy trì biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang là phù hợp, nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể cân nhắc xây dựng cơ cấu giá điện hai thành phần, gồm giá công suất được khách hàng đăng ký theo nhu cầu và giá điện năng gắn với lượng sử dụng thực tế.

Hiện chi phí tiêu thụ điện năng để sản xuất của Việt Nam cao hơn thế giới nhiều lần vì một số doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ. Do đó, tôi tán thành việc điều chỉnh lại chênh lệch giá điện giữa khu vực sản xuất và kinh doanh để giảm bù chéo.

L.Thúy ghi

Mới giải quyết được hơn 40% trụ sở dôi dư

Trả lời chất vấn về sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm theo hướng khuyến khích các địa phương nghiên cứu, tính toán quy hoạch và đánh giá thị trường để làm sản phẩm. "Có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, du khách không đến. Trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND, HĐND tỉnh, bộ không làm sản phẩm du lịch cho địa phương được" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Về vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%); cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Số lượng dôi dư này phải được giải quyết xong trong năm 2025.

Về giải quyết trụ sở dôi dư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin giai đoạn 2019 - 2021, khi sắp xếp để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã, số trụ sở dôi dư là 864. Đến nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%.

Tác giả: VĂN DUẨN

Nguồn tin: Báo Người Lao động



BÀI MỚI ĐĂNG

TOP