Bạn cần biết

Nỗi lo nhiễm khuẩn bệnh viện

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mới đây cho thấy, ước tính có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, kết quả điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện tại 36 bệnh viện phía Bắc, tỷ lệ này là 7,9%.

Một biếm họa cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn là vấn đề cần tiếp tục cảnh báo.

Gia tăng nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện (hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế) đang là vấn đề toàn cầu.

Theo TS Nguyễn Tiến Quang- Phụ trách công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện K cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế đang là vấn đề toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện (từ 9 - 24,3 ngày), tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2 - 32,3 triệu).

TS. Đinh Vạn Trung, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) chia sẻ, nhiễm khuẩn bệnh viện hằng năm đã cướp đi sinh mạng của 90 nghìn người trên toàn thế giới.

TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện có thể đến bất cứ khi nào, do tiếp xúc hàng ngày, nguồn nước không sạch, rửa tay không đúng cách,…

Ở nước ta, hầu hết các bệnh viện đều có khoa chống nhiễm khuẩn. Bộ Y tế cũng đã có thông tư hướng dẫn thực hiện chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hiện nay còn nhiều điểm cần khắc phục. Một số lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu tầm quan trọng của chống nhiễm khuẩn nên chưa đầu tư nguồn lực hiệu quả. Đa số nhân lực chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo Thông tư quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn mới ban hành, bắt buộc cơ sở y tế có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn riêng. Nơi có dưới 150 giường tối thiểu phải có bộ phận kiểm soát thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có người phụ trách chuyên môn. Các viện cũng giám sát việc tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn của bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên, bệnh nhân và người nhà.

Tuy nhiên, các bệnh viện mới chỉ tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải; chưa chú trọng vào giám sát việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong khi đó đây mới là hành động nhằm tránh lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Chú trọng vệ sinh tay

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng biến chứng, nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian và chi phí điều trị lên khoảng 2-4 lần so với không nhiễm khuẩn. Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn bắt đầu từ việc không chú trọng vệ sinh tay. Được biết, trên da tay chúng ta thường có cả hai loại vi khuẩn: vi khuẩn thường trú và vi khuẩn vãng lai.

Các vi khuẩn thường trú có độc tính thấp, ít khi gây nhiễm khuẩn qua các tiếp xúc thông thường, song chúng có thể gây độc tính qua các thủ thuật xâm lấn vào người bệnh.

Các vi khuẩn vãng lai là các vi khuẩn có ở trên da người bệnh hoặc trên các bề mặt môi trường bệnh nhân (chăn, ga giường, dụng cụ, phương tiện phục vụ người bệnh) và là thủ phạm chính gây nhiễm khuẩn bệnh viện trong quá trình chăm sóc và điều trị. Các vi khuẩn vãng lai ít có khả năng nhân lên trên tay và có thể loại bỏ dễ dàng bằng vệ sinh tay.

Theo các chuyên gia y tế, trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

WTO cũng nhấn mạnh, vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Căn bệnh tưởng chừng đơn giản này đã khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.

Tác giả: Xuân Thủy

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP