Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt với người Thái tại Yên Bái. Xôi thường có 5 màu nên người ta gọi chung là “xôi ngũ sắc”. Các màu phổ thông của món xôi ngũ sắc như: trắng, xanh, tím, vàng, đỏ.
Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Những hạt xôi thơm dẻo được đồ bằng gạo nếp Tú Lệ nổi tiếng. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng.
Bánh chưng đen
Là một món ăn độc đáo của người Thái tại tỉnh Yên Bái vào dịp tết, nhưng bạn thể thấy món này trong các phiên chợ.
Người Thái gói bánh chưng hình trụ, hình dáng giống như bánh tẻ ở dưới xuôi. Bánh có màu đen đặc trưng do gạo nếp nương được trộn với bột than cây núc nác. Bạn có thể ăn nguyên cả chiếc.
Còn bình thường người ta sẽ cắt bánh thành từng khoanh nhỏ để bày lên mâm cho đẹp. Sự tinh tuý trong chiếc bánh chưng đen thể hiện ở sự kết hợp giữa hương vị thơm ngon của gạo nếp, của cây núc nác và của nhân bánh có trộn hoa vừng đen.
Cá suối nướng pa pỉnh tộp
Nói đến món đặc sản của người Thái không thể không nhắc đến cá nướng pa pỉnh tộp. Từ này trong tiếng Thái có nghĩa là “cá gập nướng”. Sở dĩ gọi vậy vì người ta không mổ cá đằng bụng mà lại mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp con cá mềm mại dễ dàng hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá.
Người chưa ăn không thể cưỡng lại được khi tưởng tượng, huống gì khách đã ăn quen. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của Mắc khén tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.
Thịt gà nướng chấm Chẳm chéo
Thịt gà được nướng cùng là mắc mật có vị chua chua, ngọt ngọt của lá rồi chấm với “chẳm chéo”- trộn tiết và gan gà, chanh ớt, tỏi, quả mắc khén… thành hỗ hợp hơi sánh và đặc.
Ăn thịt gà nướng cùng với “chẳm chéo”, bạn sẽ cảm nhận được vị chua ngọt của lá mắc mật, vị thanh nhẹ của mắc khen và chút cay của ớt.
Thịt lợn kẹp cây rừng nướng
Đây là món ăn ngon cuốn hút mọi thực khách phương xa khi đến với Yên Bái.
Nguyên liệu để làm món này là những miếng thịt lợn nửa nạc nửa mỡ, tẩm ướp với gia vị rừng đặc trưng của vùng Mù Cang Chải như hạt mắc khén, hành tươi… cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kẹp que gỗ nướng. Món này có mùi thơm quyến rũ của gia vị quyện với vị ngọt của thịt khiến ít người có thể cưỡng lại.
Nhộng ong rừng
Món nhộng ong xào mùng thơm ngon, bắt mắt phải không quá nát, phải giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy bùi bùi của nhộng ong, mùi thơm của gia vị, của lá chanh…
Nhộng ong xào mùng không phải mùa nào cũng có, nó chỉ được chế biến vào mùa ong rừng làm tổ và sinh sản (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Vì vậy món này còn được xem là đặc sản quý hiếm của núi rừng. Món này thích hợp để dùng ăn với cơm trắng hoặc cho các quý ông nhậu lai rai thì không còn gì bằng.
Cốm Tú Lệ
Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát.
Quy trình làm ra những hạt cốm của bà con dân tộc Thái hết sức công phu từ khâu chọn lúa đúng thời điểm đến tuốt, sàng, rồi rang trên chảo gang đúc bằng củi nhỏ lửa, cho tới khi giã trong cối. Nói chung mọi công đoạn tỉ mỉ không thua gì cốm làng Vòng dưới xuôi.
Và sản phẩm cuối cùng sẽ cho ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái.
Cá Hồi và Cá Tầm
Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây cũng là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu. Nhiều món ngon từ Cá Hồi (hoặc Cá Tầm) được chế biến tại đây để phục vụ khách du lịch, nếu đi đoàn đông các bạn có thể vào làm nồi lẩu cho bữa trưa của mình.
Cua suối rang muối
Khác với các loại cua sống ở biển, ở ruộng, con cua suối thường sống trong các hốc đá trên suối ở vùng cao. Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món ngon trong đó có món Cua suối rang muối. Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng.
Món này rất thích hợp ăn với cơm hoặc cho cánh mày râu “đưa cay”.
Tác giả bài viết: Minh Du