Bạn cần biết

Những lưu ý giúp bảo quản thiết bị điện tử trong thời tiết ẩm ướt

Thời tiết nồm, ẩm lúc giao mùa cũng là lúc người sử dụng các thiết bị điện tử cần lưu ý một số điều để giúp bảo vệ thiết bị của mình thoát khỏi những tác hại do thời tiết đặc thù này gây ra.

Để thiết bị điện tử không sử dụng khi vẫn cắm điện trong thời tiết ẩm ướt dễ khiến thiết bị hỏng. (Ảnh minh họa: Pointer Clicker)

Trong khi miền Nam có hai mùa mưa nắng đều có cùng độ ẩm không quá cao thì miền Bắc lại đang trong mùa Xuân - khoảng thời gian nồm ẩm nhất trong năm.

Độ ẩm vào ngày này thường xuyên ở mức khoảng 85-90%, rất có hại cho hầu hết các thiết bị điện tử vốn nhạy cảm với sự ẩm ướt do dễ bị hỏng hóc chập cháy, các chi tiết kim loại cũng bị gỉ sét ăn mòn. Vì vậy, các gia đình cần phải bảo quản chúng thật cẩn thận.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc sử dụng và sửa chữa các thiết bị điện, anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ cửa hàng kinh doanh và sửa chữa thiết bị điện tử-điện lạnh có địa chỉ ở ngõ 295 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ những lưu ý để người dùng bảo quản và sử dụng đồ điện một cách an toàn trong thời tiết nồm và ẩm ướt.

Thường xuyên sử dụng

Nhiều gia đình thường có thói quen để các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, loa âm thanh “nằm yên” trong cả mùa nồm mà không sử dụng hay rút dây cắm. Điều này sẽ khiến chúng có nguy cơ bị hỏng hóc cao hoặc bị chập điện.

Do vậy, việc thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử cũng là một cách để các thiết bị này không bị hỏng trong thời tiết nồm, ẩm vì khi hoạt động các thiết bị điện tử sẽ có cơ chế tỏa nhiệt, làm nóng và tự sấy khô linh kiện bên trong chúng. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng có thể để các thiết bị này ở chế độ chờ vì khi không tắt hẳn chúng vẫn có khả năng sinh nhiệt, giúp các linh kiện bên trong không bị hỏng.

Ngoài ra, đối với những thiết bị không sử dụng đến, mọi người có thể đặt chúng bên cạnh những thiết bị đang sử dụng để được "hong khô." Tuy nhiên, không nên để quá gần và quá lâu vì nguồn điện của thiết bị đang phát vì có thể gây nóng và làm ảnh hưởng đến các vi mạch điện tử, thiết bị gần nó.

Lau chùi thường xuyên

Thường xuyên lau chùi các thiết bị điện tử trong nhà không chỉ giúp chúng luôn sạch sẽ mà chúng ta còn có thể kiểm tra xem chúng có bị ẩm hay không để có thể xử lý kịp thời.

Luôn luôn giữ vệ sinh, lau chùi thiết bị điện tử tránh bị ẩm ướt. (Ảnh minh họa: Get Set Clean)

Khi lau chùi mọi người nên lau cẩn thận, đối với những thiết bị nhỏ, có thể bỏ chúng vào hộp cùng với một vài gói hút ẩm để chúng không bị hỏng trong thời tiết nồm ẩm.

Các đầu jack cắm, các khớp nối kim loại hay ốc vít đều là những vị trí rất dễ bị nồm ẩm gây gỉ sét nên cần được lau khô thường xuyên, nếu đã bị gỉ thì cần dùng giẻ có thấm cồn để lau sạch. Với các loại thiết bị có nắp đậy và dễ dáng tháo lắp thì người sử dụng có thể mở ra và dùng máy sấy thổi khô, lưu ý chỉ sử dụng ở mức sấy nhẹ tránh gây nóng hỏng mạch.

Giữ phòng khô ráo

Nhiều gia đình thường nghĩ rằng việc mở cửa sẽ giúp không khí trong nhà khô thoáng hơn, điều này có thể đúng trong mùa khô thế nhưng trong những ngày mưa và ẩm ướt như hiện tại thì việc làm này lại khiến không khí trong nhà càng ẩm hơn.

Chính vì lý do trên, để làm giảm tình trạng ẩm ướt trong nhà các gia đình nên đóng kín cửa và mở điều hòa ở chế độ lạnh khô (dry). Một số điều hòa hiện nay có chế độ khô hút ẩm, có thể bật điều hòa định kỳ hoặc dùng máy hút ẩm chuyên dụng để phòng trong nhà luôn trong tình trạng khô ráo.

Thêm vào đó, một trong những cách để bảo quản đồ điện tử hiệu quả đó là đặt chúng ở những nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nền nhà và tường. Người dùng có thể đặt những đồ vật như tivi, lò vi sóng... trên kệ cách mặt đất khoảng 70-80cm và cách tường khoảng 10-15cm. Cách làm này giúp các thiết bị này tránh tiếp xúc trực tiếp với độ ẩm của sàn nhà và tường, giảm nguy cơ bị hỏng.

Xử lý khi bị ẩm

Nếu người sử dụng trót để các thiết bị này tắt quá lâu trong thời tiết nồm ẩm thì không nên mở ngay thiết bị trở lại bởi hơi nước ở các vi mạch có thể gây chập cháy, hỏng hóc. Với các thiết bị có kích thước lớn có thể bật điều hòa sấy khô, dùng máy sấy với thời gian lâu hơn thông thường so với việc chỉ bảo quản một chút và để thiết bị nguội hẳn mới bật trở lại (nếu dùng máy sấy).

Sử dụng tủ chống ẩm chuyên dụng cho các thiết bị điện tử. (Ảnh nguồn minh họa: Nikatei)

Với các thiết bị nhỏ như điện thoại, máy tính bảng hay ống kính có thể bỏ vào tủ chống ẩm để một thời gian hoặc cho vào thùng gạo trong gia đình để hút ẩm.

Các thiết bị điện tử khác có thể sấy khô trước khi dùng nếu bị dính ẩm nhẹ nhưng máy ảnh hay ống kính không bảo quản đúng cách có thể gây hỏng ngay. Ống kính nếu để trong thời tiết ẩm dễ gây mốc, rễ tre và chỉ có cách tháo ra để lau khiến ống mất "zin" và hoạt động không trơn tru như cũ. Trong khi đó, hơi ẩm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống kính ngắm, cơ chế lật của gương.

Do vậy, việc sử dụng tủ chống ẩm là rất cần thiết với người chơi máy ảnh. Người sử dụng nên cài dặt tủ chống ẩm trong điều kiện độ ẩm khoảng 30-55% là tốt nhất. Tuy nhiên, cũng không nên bảo quản trong môi trường quá khô vì lớp gioăng cao su mất ma sát không thể bám lấy bánh răng để điều chỉnh, ngoài ra, lớp dầu mỏng ở các chi tiết máy nếu bị khô quá sẽ mất đi và khiến ống kính hoạt động không còn trơn tru./.

Tác giả: Minh Hiếu

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP