Cũng theo ông Dương Tấn Hiển, nếu quy hoạch dầu khí lô B - Ô Môn được khởi động sớm trong năm 2022 cùng 4 dự án nhà máy nhiệt điện ở Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng mức đầu tư 10 tỉ USD, tổng giá trị đầu tư các dự án này bằng Cần Thơ thu hút đầu tư 10 năm. Cùng với đó, việc Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VISIP) đang lập hồ sơ đề xuất dự án khu công nghiệp VSIP Cần Thơ khoảng 300ha nằm trong Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) cùng các dự án khu công nghiệp, dự án ODA sắp được triển khai trên địa bàn sẽ là cơ hội lớn cho TP.Cần Thơ trên đường phát triển.
Cảng hàng không Cần Thơ - Ảnh: Internet |
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã thống nhất sơ bộ theo báo cáo của Sở Xây dựng về vị trí quy hoạch các khu chức năng (khu kinh tế, dịch vụ, trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao) gắn với không gian xung quanh sân bay Cần Thơ, đường vành đai phía tây cũng như trung tâm công nghiệp, năng lượng tại quận Ô Môn, ranh giới trên địa bàn quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Phong Điền.
Tổng diện tích liên quan khoảng 10.670ha (vừa kết hợp phạm vi đô thị hiện hữu, khu mới, sân bay mở rộng…), đồng thời kết nối với logistics hàng không, logistics cảng Cái Cui, logistics Tân Cảng Thốt Nốt, kết nối với các trung tâm quận huyện, nhằm khai thác hiệu quả đối với các khu vực chức năng, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP.Cần Thơ. Chủ tịch UBND thành phố thống nhất sơ bộ về vị trí quy hoạch các chức năng: khu kinh tế, dịch vụ, trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao gắn với không gian xung quanh sân bay quốc tế Cần Thơ, đường vành đai phía tây cũng như trung tâm công nghiệp, năng lượng tại quận Ô Môn. Phạm vi quy hoạch gồm một phần quận Bình Thủy, một phần mở rộng về phía quận ô Môn cho các chức năng công nghiệp, năng lượng và một phần mở rộng về huyện Phong Điền với diện tích liên quan khoảng 10.670ha.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, các sở ngành cùng với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khẩn trương hoàn chỉnh thống nhất về mối quan hệ cùng chức năng chính của các khu, chức năng bổ trợ khác để đảm bảo hình thành các hoạt động đa dạng, hoàn chỉnh của một khu đô thị.
Sẽ có nhà máy chế biến xuất khẩu trái thanh long tại Cần Thơ - Ảnh: Internet |
Về đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT Cần Thơ cho biết: “Hiện nay, Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh đề án thành lập trung tâm này để trình Văn phòng Chính phủ thẩm định. Đối với chính sách về trung tâm này tại Cần Thơ, UBND thành phố giao Sở NN-PTNT cùng với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Cần Thơ chủ trì, đề xuất những nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện, thành lập. Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Cần Thơ, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT khẩn trương xây dựng đề án, tham mưu thành lập can chỉ đạo thực hiện đề án. Sở NN-PTNT nghiên cứu đề xuất danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của trung tâm, tham mưu trình Bộ NN-PTNT đưa vào quy hoạch ngành, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Song song với việc xây dựng đề án, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh công tác quy hoạch nêu trên kèm theo hồ sơ đề án để trình thẩm định. Trung tâm này khi hoàn thành sẽ là khu chế biến, lưu trữ, xuất khẩu nông sản ĐBSCL, tạo điều kiện để kinh tế nông nghiệp, thương mại dịch vụ ĐBSCL phát triển.
Khoai lang cũng sẽ có nhà máy chế biến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ - Ảnh: VKK |
Được biết, trong quy hoạch này, trung tâm nói trên là một trong các nội dung của cơ chế đặc thù phát triển TP.Cần Thơ được Quốc hội thông qua. Tổng diện tích trung tâm dự kiến gần 500ha.
Để triển khai các chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua cho TP.Cần Thơ, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ.
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, thời gian của cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua cho Cần Thơ là 5 năm. Hiện nay đã hết 4 tháng, vì vậy mọi công việc phải triển khai nhanh.
Tác giả: Văn Kim Khanh
Nguồn tin: 1thegioi.vn