Số hóa

Những dự án công nghệ triệu USD của Cao Toàn Mỹ

Với khối tài sản kếch sù kiếm được từ những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, số tiền tranh chấp trong vụ kiện tụng với hoa hậu Phương Nga chỉ là con số nhỏ.

Vài ngày trở lại đây, dư luận đang ngày một nóng lên với những thông tin xoay quanh vụ kiện tụng của đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Thế nhưng không nhiều người biết rằng, ông Cao Toàn Mỹ cũng là một nhân vật rất nổi tiếng trong giới công nghệ.

Sau khi hoàn tất việc học ở Úc và trở về làm việc tại Việt Nam, Cao Toàn Mỹ tham gia khá nhiều hoạt động đầu tư và nhanh chóng có được những thành công ấn tượng. Trong số những dự án mà Cao Toàn Mỹ triển khai, có những sản phẩm mà bất kỳ người dùng Internet nào tại Việt Nam cũng đều đã ít nhất một lần sử dụng tới.

Một trong tứ trụ sáng lập Vinagame

Cao Toàn Mỹ chính là một trong bốn nhà đồng sáng lập của Vinagame. Vào năm 2004, cùng với các ông Lê Hồng Minh, Trịnh Bảo và Nguyễn Thanh Bình, Cao Toàn Mỹ đã đóng góp số tiền không nhỏ vào số vốn khởi điểm của công ty này.

Cụ thể hơn, ông Cao Toàn Mỹ đã bỏ ra số tiền 750 triệu đồng và nắm giữ khoảng 17% cổ phần của Vinagame. Con số này chỉ ít hơn Lê Hồng Minh (58%), người hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của VNG. Vinagame chính là tiền thân của VNG, một trong số những công ty Internet lớn nhất Việt Nam sau này.

Cao Toàn Mỹ (thứ 2 từ bên trái) bên cạnh nhóm những nhà sáng lập Vinagame. Có thể nhận ra Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG - ông Lê Hồng Minh ở ngoài cùng bên phải.

Chỉ một khoảng thời gian ngắn sau ngày được thành lập, Vinagame đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà phát hành game hàng đầu Việt Nam, cùng với FPT và VTC. Sản phẩm nổi bật nhất của Vinagame ở thời điểm đó chính là tựa game online Võ Lâm Truyền Kỳ. Đây là tựa game từng tạo nên cơn sốt ở thị trường Việt Nam với con số 200.000 người chơi truy cập tại cùng một thời điểm.

Sau sự thành công ban đầu, đến năm 2008, Vinagame đổi tên thành VNG Corporation. Đây cũng là thời điểm mà Cao Toàn Mỹ cùng với hai nhà đồng sáng lập khác là Trịnh Bảo và Nguyễn Thanh Bình quyết định rời khỏi VNG.

Ở thời điểm này, VNG được định giá vào khoảng 100 - 200 triệu USD. Tuy nhiên với việc bán ra ngoài khá nhiều cổ phiếu ESOP (một hình thức giúp người lao động có thể sở hữu ổ phần trong công ty), tỷ lệ sở hữu của những nhà sáng lập VNG đã giảm đi đáng kể.

Sau khi Cao Toàn Mỹ rời khỏi VNG, công ty này phát triển không ngừng và đang nằm trong top những công ty Internet hiệu quả nhất tại Việt Nam.

Những con số ước tính cho thấy nhà sáng lập Lê Hồng Minh chỉ còn giữ 20% cổ phần VNG ở thời đó. Với Cao Toàn Mỹ, con số này là khoảng từ 4 - 5% cổ phần. Với việc thoái vốn tại VNG ở thời điểm năm 2008, số tiền ước tính Cao Toàn Mỹ thu được từ quyết định này là vào khoảng 5 - 10 triệu USD

Ở thời điểm hiện tại, VNG đang là một trong những công ty Internet hàng đầu tại Việt Nam với nhiều sản phẩm được đông đảo người sử dụng như trang nhạc trực tuyến Zing MP3, mạng xã hội Zing Me, Ứng dụng nhắn tin OTT Zalo và nhiều sản phẩm dịch vụ Internet khác.

Do vẫn còn 75.000 cổ phiếu tại VNG, với mức giá khoảrg 542.000 đồng/ cổ phiếu như hiện nay, khối tàn sản của ông Cao Toàn Mỹ tại VNG hiện nay có giá trị ước tính vào khoảng 40 tỷ đồng.

Mạng xã hội hẹn hò VinaCyber

Công ty Cổ phần Mạng tin học ảo VinaCyber là một trong những dự án công nghệ nổi tiếng nhất của Cao Toàn Mỹ. Ông Mỹ từng đảm trách vai trò Tổng giám đốc VinaCyber. Đây là công ty công nghệ mà ông Cao Toàn Mỹ nắm tới hơn 95% vốn điều lệ, tương đương khoảng gần 10 tỷ đồng.

Được thành lập vào năm 2007, sản phẩm chính của VinaCyber là các dịch vụ giúp ghép đôi và tìm kiếm bạn hẹn hò thông qua Internet. Những sản phẩm này được biết đối với các tên gọi là Hẹn ăn trưa (henantrua.vn) và Hẹn hò tốc độ.

Không chỉ đầu tư vào VNG và VinaCyber, Cao Toàn Mỹ còn là nhà đầu tư thiên thần trong nhiều dự án công nghệ khác.

Đây là mô hình mai mối cho phép người tham gia gặp gỡ nhiều người khác giới độc thân trong vài giờ đồng hồ và trò chuyện riêng tư với mỗi người trong vài phút. Từ đó, người tham gia có cơ hội để tìm kiếm bạn đời cho mình trong tương lai.

Tại Việt Nam, "Hẹn hò tốc độ” đã được manh nha từ một số cuộc sinh hoạt, giao lưu của trung tâm Apollo, Cleverlearn... nhưng VinaCyber là đơn vị đầu tiên tổ chức loại hình hẹn hò này theo kiểu dịch vụ.

Ở những cuộc gặp gỡ do VinaCyber tổ chức, mỗi ứng viên sẽ phải đóng góp một khoảng phí nhất định (khoảng 100.000 đồng). Công ty này sau đó sẽ tổ chức những buổi gặp mặt quy mô lớn với nhiều người tham dự. Tại các sự kiện như thế, mỗi ứng viên sẽ có khoảng 10 - 15 cuộc gặp gỡ khác nhau. Mỗi cuộc gặp kéo dài trong khoảng từ 3 - 5 phút.

Ảnh tư liệu về những "đại hội" hẹn hò do VinaCyber tổ chức.

Trong thời gian đầu, các sản phẩm của VinaCyber thu hút được khá nhiều sự quan tâm từ phía đối tượng những người dùng trẻ, dân văn phòng, những người ít có cơ hội giao tiếp với bạn khác giới do đặc trưng môi trường công việc.

Ở thời điểm huy hoàng nhất, VinaCyber cho biết dịch vụ Hẹn hò tốc độ của họ có tỷ lệ tác thành thành công cho 70% số lượng người tham gia. Với dịch vụ Hẹn ăn trưa, có khoảng 70.000 người tham gia vào mạng lưới hò hẹn do công ty này tổ chức.

Tuy vậy ở thời điểm hiện tại VinaCyber đã tạm ngưng hoạt động. Những tài liệu của cơ quan thuế còn cho thấy công ty này thậm chí còn chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Tác giả: Trọng Đạt

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP