Bạn cần biết

Những bộ phận của gà, vịt không nên ăn

Nội tạng gà, vịt có giá trị dinh dưỡng nhưng cũng đi kèm với nhiều nguy cơ như chứa giun sán, vi khuẩn, virus gây hại hoặc lượng thuốc dư thừa trong quá trình chăn nuôi.

Phần đùi gà chứa nhiều protein và calo. Ảnh: Pexels.

Thịt gà và thịt vịt là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải bộ phận nào của gà, vịt cũng giàu chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, các phần thịt ở các vị trí khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau về lượng protein, lượng mỡ và thành phần mỡ.

Cụ thể, phần lườn, bụng của 2 loại thịt này chứa nhiều protein và ít cholesterol nhất. Trái lại, phần nội tạng, đùi, cánh và cổ chứa rất nhiều cholesterol xấu.

Bác sĩ Vũ cho biết mặc dù nội tạng có giá trị dinh dưỡng riêng, nó cũng đi kèm với nhiều nguy cơ như chứa giun sán, vi khuẩn, virus gây hại hoặc lượng thuốc dư thừa trong quá trình chăn nuôi.

Ngoài ra, phao câu là bộ phận chúng ta không nên ăn vì đây là nơi tập trung của tuyến dịch bạch huyết, chứa đại thực bào. Nghĩa là phao câu giống "kho" chứa vi khuẩn. Đồng thời, phần dưới da cổ của gà, vịt cũng chứa nhiều tuyến dịch bạch huyết và không nên ăn.

Phần thịt của gà được chia thành 2 loại, gồm thịt trắng - phần thịt từ lườn, ức gà và thịt nâu - phần từ cánh, chân và đùi gà. Với đặc trưng giòn, dai và thơm, đùi gà là bộ phận được nhiều người ưa chuộng hơn ức gà.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần thịt trắng ở lườn hay ức gà vẫn nhiều dinh dưỡng hơn so với phần đùi do đùi chứa nhiều calo. Chính vì phần thịt trắng vừa chứa nhiều protein và ít chất béo, nhiều người thường chế biến nó làm món ăn dặm cho trẻ em.

Ức vịt có hàm lượng chất béo thấp hơn chân vịt và đùi vịt. Ảnh: Pexels.

Chia sẻ về cách lựa chọn phần thịt trong gà, vịt để ăn, bác sĩ Vũ lưu ý đùi và cánh là 2 vị trí thường được chọn để tiêm phòng trong quá trình nuôi. Do đó, chúng ta không thể loại trừ việc dư thừa lượng thuốc trong thịt gia cầm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia đánh giá cao về dinh dưỡng của phần ức gà, cụ thể 100 g ức gà có 18 g chất đạm, ít chất béo và nhiều vitamin B tốt cho việc ngăn ngừa đục thủy tinh thể, rối loạn về da hay tăng miễn dịch.

Tương tự, đối với thịt vịt, phần ức vẫn là tốt nhất. Ức vịt có hàm lượng chất béo thấp, trong 85 g thịt sẽ có khoảng 2 g chất béo (trong đó chỉ 0,5 g là chất béo bão hòa). Lượng chất béo này thậm chí thấp hơn cả chất béo có trong ức gà (trong 3 g chất béo tổng có một gram chất béo bão hòa).

Mặc dù trong 85 g chân vịt hoặc đùi vịt có tổng lượng chất béo trung bình khoảng 5 g, chúng vẫn có ít chất béo hơn so với đùi gà không da.

Vì vậy, thịt vịt được xem là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và ít có khả năng gây béo phì đối với cơ thể. Đây cũng là loại thực phẩm được lựa chọn nhiều trong các chế độ ăn kiêng giảm mỡ.

Tác giả: Nam Giao

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP