Kỳ 2 (Kỳ cuối): Những cái chết vì đá và tỉ lệ ung thư báo động
Phần lớn số dân La Mát (Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) sống nhờ vào việc đội đá, đập đá, nổ mìn… Dân La Mát gần như đều chỉ đi làm thuê, đủ no cái bụng.
Chỉ tay vào ngọn núi trước mặt, nơi bụi đang bốc lên ngùn ngụt trắng xóa cả một vùng, trưởng thôn Trần Văn Thức cho biết: “Cả làng chúng tôi cứ như bị ma ám vậy, dân chẳng còn ai dám đi ra đường, mà người nơi khác đến thì một đi không trở lại. Hàng chục năm nay, người dân chúng tôi như bị cô lập với bên ngoài. Và nếu thử làm một phép so sánh cho nó thực tế, cho nhà tôi thu khoảng 50 ngàn 1 lượt xe đi qua hàng ngày, thì chắc chưa đến 1 tháng tôi đã đủ tiền xây nhà 5 tầng rồi! ”.
Kỳ họp nào dân cũng kiến nghị, nhiều đoàn cũng về kiểm tra nhưng kết quả là dân La Mát hàng ngày vẫn kêu trời về mức độ ô nhiễm của vùng.
Và tất nhiên, câu chuyện khói bụi ô nhiễm ở La Mát còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, đó là bệnh ung thư và những tai nạn lao động. Cả thôn có 80 bà góa, 15 ông lẻ bóng, cùng hàng loạt trường hợp thương tích, mất sức lao động. là những con số thống kê đáng buồn đến từ nghề khai thác đá.
Quanh La Mát là một loạt công trường khai thác đá
Những con số đó đã được ghi vào một cuốn sổ đặc biệt về thôn La Mát, do môt cụ ông năm nay đã 82 tuổi tên Nguyễn Văn Mạc ghi chép. Bản thân cụ đang sống một thân một mình vì vợ đã mất bởi căn bệnh ung thư. Quá đau buồn, lại thấy trong thôn có nhiều cảnh ngộ còn bi đát hơn mình, cụ Mạc đã tỉ mẩn ghi lại những câu chuyện buồn ấy vào cuốn sổ nhỏ cỡ bàn tay, như là một bằng chứng để lưu lại mai sau.
Nói đến chuyện tai nạn trong quá trình làm đá, trưởng thôn Trần Văn Thức góp chuyện ngay, bởi bố ông chính là người đầu tiên ở thôn bỏ mạng bởi nghề nguy hiểm này, chết không toàn thây bởi đá lở trên núi xuống. Nhưng chưa hết, sau đó đến lượt em trai ông Thức là ông Trần Văn Trụ cũng sinh nghề tử nghiệp. Ông Trụ ngã núi, bị mũi đá nhọn xuyên thủng hộp sọ.
Ông Thức tâm sự, làm đá cũng như là đánh cược sinh mạng của mình với tử thần. Nhưng phu đá cũng chẳng kiếm được là bao. Cả ngày đánh vật trên mấy ngọn núi cao chót vót thì một người đàn ông lực lưỡng cũng chỉ mang về cho gia đình tầm 4-5 triệu đồng mỗi tháng.
Chủ mỏ toàn là người vùng khác, họ thuê dân bản địa làm khoán, cứ xong việc là có tiền. Chính vì vậy, ở cái đại công trường bao xung quanh La Mát, dân cứ làm hỗn loạn, làm thông tầm, mạnh ai người nấy làm. Tất nhiên, thần chết rơi vào tay ai người nấy chịu.
Bà Dương Thị Oanh: "90% dân ở thôn này mắc các bệnh về hô hấp"
Chết vì đá ở La Mát cũng đủ các kiểu, người thì theo ròng rọc trèo lên đỉnh núi phá đá, ròng rọc đứt rơi xuống, thế là chết; người thì trên đỉnh núi với tay lấy sợi dây, rồi trượt rơi thẳng xuống núi, cũng chết; người thì đá đè, người thì mìn nổ…
Thậm chí, cách đây mấy năm, có bác đang đứng sửa máy nghiền đá. Phía dưới có tốp người mới thay ca không biết, liền bật cho máy chạy. Thế là người phu đá tội nghiệp bị cuốn cả người vào máy, nghiền ra cả đá lẫn thi thể.
Mới đây nhất, một người cháu họ của ông Thức gặp nạn, nhưng may là anh này còn giữ được mạng sống. Chuyện là, cháu ông Thức cùng một người nữa ngồi trong thùng phi để tời lên đỉnh núi, nhưng lên gần đến nơi thì cái phi đứt dây, rơi tõm xuống dưới. Cả 2 người đều bị gãy xương, vỡ xương chậu, không biết điều trị đến bao giờ mới khỏi bệnh.
Sự nhọc nhằn, nguy hiểm là đương nhiên đối với những người còn lành lặn. Còn đối với những gia đình bà góa, hay là những gia đình mà phu đá sống sót trở về nhưng đã mất hẳn sức lao động, hành trình để ổn định lại cuộc sống còn gian nan gấp cả ngàn lần.
Như để chứng minh, trưởng thôn Trần Văn Thức dẫn chúng tôi qua nhà… một người em trai khác của mình, đó là ông Trần Văn Trường. Ông bảo, chỉ tính riêng trong dòng họ, đã có 20 người bị nạn liên quan đến đá, còn những dòng họ khác thì không biết.
Ông Trần Văn Trường
Ông Trường ra quân năm 91, không biết làm gì ngoài làm đá. Lúc nổ mìn, thì một tảng đá to lao xuống, chặt đứt rời 1 chân ông Trường, chân còn lại dập nát. Ông nằm viện cả tháng trời mới về thì nhà chả còn gì nữa, tất cả tài sản tích cóp đã trôi theo những lần chữa trị bệnh tật.
“Lúc ấy vợ tôi lại còn đang mang bầu nữa chứ. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao cả gia đình có thể vượt qua được cái giai đoạn khó khăn ấy. May còn mấy sào ruộng trông vào. Con chưa lớn, mà vợ đã phải nai lưng làm thuê nuôi cả chồng lẫn con”, ông Trường ngao ngán.
Gần nhà ông Trường, ông Nguyễn Văn Chuân cũng bị mù cả 2 mắt. Dù rằng ông tính cẩn thận, nhưng một lần lúc đốt dây cháy chậm, chưa kịp chạy thì mìn đã nổ. Ông Chuân tỉnh dậy mới biết mình nằm viện đã gần 3 tháng, vỡ gan, cắt mặt, phẫu thuật hàm, rồi lại đi mổ mắt. Gia đình bán nhà bán đất, sau gom tý tiền còn lại mở cửa hàng buôn đồ sắt cuối thôn, mãi sau kinh tế mới tạm ổn. Tuy nhiên, cả gia đình cũng chỉ biết trông chờ vào cái cửa hàng, chả biết làm gì khác nữa.
Ông Nguyễn Văn Chuân (bên phải) cùng trưởng thôn Trần Văn Thức
Nhắc đến câu chuyện ung thư vì khói bụi ô nhiễm hàng chục năm ở La Mát, thì trong lần về thực tế này, hỏi người dân thì ai cũng tranh nhau kể lể. Thậm chí, một người phụ nữ tên Dương Thị Oanh chắc nịch: “Tôi không biết ở trên người ta thống kê thế nào, dù dân đã gửi đơn đề nghị các kiểu nhưng mọi việc vẫn thế. Đối với bản thân tôi, tôi khẳng định luôn là phải đến 90 % dân La Mát bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, ung thư thì nhiều vô số kể…”.
Hỏi đến những trường hợp cụ thể mắc ung thư, thì đúng là đông như… quân Nguyên. Gần nhà bà Oanh có bà Dương Thị Phượng mất vì ung thư vòm họng, rồi ông Dương Xuân Thú cũng bị ung thư vòm họng, bà Tĩnh vừa mới mất, đầu làng có ông Dương Văn Nghĩa bị ung thư phổi, bà Mạc, ông Nguyễn Bá Võ… Từ đầu năm đến giờ trong thôn La Mát đã có 8 người mất vì ung thư, còn số người điều trị tại nhà hoặc đang nằm viện thì dân chưa thống kê được hết.
Bà con thôn La Mát đã rất nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên trên, nhưng cứ trình lên rồi lại rơi vào quên lãng. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vào đăng ký khai thác đá lại không ngừng gia tăng. Họ còn làm cả đường lớn vào mỏ đá cho ô tô có trọng tại lớn vào khai thác, máy móc chạy rầm rầm đêm ngày, khói bụi ô nhiễm thì dân lãnh đủ.
Trưởng thôn Trần Văn Thức bảo, ông đang có ý định từ chức, bởi cảm thấy bất lực trước thực trạng này. Dân giao nhiệm vụ cho ông đề đạt các nguyện vọng nhưng ông chả biết làm gì khác ngoài việc gửi đơn rồi ngồi chờ, mấy năm rồi.
Rời La Mát, chúng tôi bỏ lại phía sau bụi bặm, tiếng ồn và cả sự cô lập đến hiu quạnh của một ngôi làng chỉ có bụi và bụi, vẫn còn đó những tiếng kêu tha thiết, và cả một sự ám ảnh.
Tác giả bài viết: Lê Văn Lĩnh
Nguồn tin: