Bạn cần biết

Nhiều người chủ quan không đeo khẩu trang dù nguy cơ dịch chồng dịch

Theo các chuyên gia, người dân đang có tâm lý coi nhẹ dịch bệnh khi Covid-19 tạm lắng xuống. Việc này khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, dịch Covid-19 gia tăng số ca mắc. Trong khi đó, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng cũng đang lây lan nhanh.

Nguy cơ dịch chồng dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm 1 - các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta rất lớn. Hiện các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca mắc căn bệnh này.

Ngày 29/7, Bộ Y tế đã có Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kích hoạt hàng loạt các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Trong tháng 7, nhiều ngày liên tiếp số ca mắc mới trên cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày. Đáng chú ý, ngày 29/7 cả nước ghi nhận 1.803 ca. Đây là số ca mắc mới cao nhất trong hơn 2 tháng qua. So với tuần trước, số mắc tăng hơn 40%.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết khoảng 1-2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại cơ sở y tế này có xu hướng tăng so với giai đoạn trước. Trong số này, nhiều trường hợp có diễn biến nặng. Hiện tại, khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng gần như kín giường.

Bộ Y tế nhận định các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa, đồng thời sẽ làm giảm miễn dịch theo thời gian và có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.

Các phòng điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, luôn trong tình trạng đông đúc bệnh nhân. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng với Covid-19, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 120.000 ca sốt xuất huyết với 40 ca tử vong. Mỗi tuần hiện có hơn 10.000 ca sốt xuất huyết. Bộ Y tế cảnh báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng do mùa mưa còn kéo dài.

Bên cạnh đó, nước ta cũng ghi nhận nhiều ca mắc cúm và chân tay miệng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm, đặc biệt là số ca nhiễm cúm A tăng nhanh trong những tuần qua.

Người dân có tâm lý coi nhẹ dịch bệnh

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra nếu địa phương không chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông cũng cho rằng người dân đang có tâm lý coi nhẹ dịch bệnh khi Covid-19 tạm lắng xuống. Đặc biệt, việc vui chơi "bù" cho khoảng thời gian giãn cách xã hội và tập trung vào kinh tế, lơi lỏng phòng bệnh là những rào cản cần giải quyết.

Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, các dịch bệnh truyền nhiễm trên không mới, có tính chất chu kỳ. Việt Nam vừa trải qua cao điểm của dịch Covid-19, tuy nhiên các biến thể của SARS-CoV-2 và tình hình nhiễm trên thế giới vẫn rất phức tạp.

Khí hậu nóng bức, dịch cúm trái mùa cùng với sốt xuất huyết, tay chân miệng đang quay trở lại khiến người dân đứng trước nguy cơ bị dịch chồng dịch, các cơ sở y tế bắt đầu có hiện tượng quá tải.

Việc phòng dịch, bảo vệ sức khỏe trước dịch sốt xuất huyết cũng như Covid-19 cần xuất phát từ mỗi người dân. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

"Tại nơi tôi làm việc, số ca đến khám vì sốt, đau mỏi (gợi ý cúm mùa, sốt xuất huyết, Covid-19) chiếm xấp xỉ 50% tổng số bệnh nhân. Số trẻ em khám bệnh cũng tăng cao, chủ yếu có các triệu chứng như sốt cao, chảy mũi, quấy khóc", bác sĩ Tiến cho biết.

Đeo khẩu trang để phòng bệnh

Bác sĩ Thái cho rằng để dịch bệnh không bùng phát ngoài tầm kiểm soát, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp như tiêm vaccine; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay; có ý thức đeo khẩu trang, giảm bớt các hoạt động tụ tập đông người trong không gian kín, chật; tích cực vệ sinh ngoại cảnh và trong nhà, diệt muỗi và bọ gậy.

Trong đó, đeo khẩu trang vẫn luôn là một biện pháp phòng bệnh quan trọng. Bởi đa phần các dịch bệnh hiện nay đều lây qua giọt bắn, tiếp xúc gần.

"Đeo khẩu trang là biện pháp phòng hộ quan trọng, đã chứng minh được vai trò và hiệu quả trong đại dịch Covid-19. Nói chung, với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp (các giọt bắn) như Covid-19, cúm, sởi... việc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng hoặc vùng không gian kín giúp bảo vệ bản thân và hạn chế lây lan dịch bệnh", bác sĩ Tiến cũng lưu ý.

Tuy nhiên, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan, bỏ qua biện pháp phòng bệnh quan trọng này, tạo điều kiện cho dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Tác giả: Phương Anh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP